Doanh nghiệp Việt đẩy mạnh bán hàng trên Amazon

Bất chấp những thách thức lớn từ đại dịch và sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, số lượng các nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon vẫn tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là khẳng định của ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam tại sự kiện Amazon Week 2022 với chủ đề “Dám mơ lớn: Tinh hoa hàng Việt - Vượt xuyên biên giới” diễn ra ngày 31/10 tại TP.HCM.

Theo ông Gijae Seong, có 3 lý do khiến nhiều doanh nghiệp Việt đăng ký bán hàng trên nền tảng này năm qua. Thứ nhất tiềm năng của cộng đồng doanh nghiệp Việt còn rất nhiều và ngày càng hiểu rõ cách thức tham gia hơn. Thứ hai, quy trình xét duyệt nhà bán hàng mới cải thiện đáng kể, hỗ trợ cả tiếng Việt, nên tiết kiệm được thời gian, thủ tục, và khả năng đăng ký thành công. Thứ ba là tâm thế sẵn sàng tham gia cuộc chơi toàn cầu của các doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu, số doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon tăng 80% được thống kê trong giai đoạn từ 1/9/2021 đến 31/8/2022. Một năm trước đó, tức vào 2020-2021, mức tăng trưởng chỉ là 15%. Số lượng nhà bán hàng Việt Nam cụ thể không được tiết lộ nhưng vào khoảng "hàng nghìn".

Cũng trong cùng giai đoạn thống kê, các nhà bán hàng Việt Nam đã bán được gần 10 triệu sản phẩm ra thế giới. Trong đó, top 5 ngành hàng bán chạy nhất năm nay là dụng cụ nhà bếp, đồ gia dụng, may mặc, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân, tiện ích gia đình. Xuất hiện trên Amazon có cả hai nhóm doanh nghiệp lâu năm lẫn khởi nghiệp. Nhóm lâu năm tiêu biểu có một số cái tên như cà phê G7 của Trung Nguyên, đồ gia dụng SunHouse, hạt điều Lafooco.

Doanh nghiệp Việt đẩy mạnh bán hàng trên Amazon. Ảnh: Internet

Theo tạp chí VnEconomy, hiện nay, chi phí đăng ký bán hàng trên Amazon là 39,99 USD (người bán hàng cá nhân không đóng phí nhưng sẽ hạn chế số lượng đơn hàng); chi phí hoa hồng từ 12-15% tùy theo ngành hàng; Phí FBA; Phí lưu trữ hàng tồn kho. Đồng thời, Amazon cũng có tính năng Opportunity Explorer giúp cho các doanh nghiệp khai thác người dùng, tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Báo VnExpress thông tin thêm, các nhà bán hàng Việt Nam tiếp cận được 21 thị trường trên toàn cầu của Amazon, với một số thị trường mới như Bỉ, Thụy Điển hay Trung Đông. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất. "Đây là thị trường tốt nhất cho hàng Việt Nam nhờ quy mô lớn, lượng khách đăng ký thành viên nhiều, các quy định tuân thủ vẫn dễ chịu hơn so với châu Âu hay Nhật Bản. Ngoài ra, ngôn ngữ tiếng Anh cũng dễ tiếp cận hơn cho nhà bán hàng Việt Nam", ông Gijae Seong lý giải.

Theo dự báo của Amazon Global Selling Việt Nam, 5 nhóm ngành hàng tiềm năng cho doanh nghiệp Việt khai phá vào 2023 bao gồm: nội thất & trang trí nhà cửa; dệt may & phụ kiện; nhu yếu phẩm và quà tặng.

Ông Gijae Seong cho biết, nội thất đã hai năm liền trong nhóm hàng Việt bán chạy nhất. Mọi người du lịch trở lại kéo theo nhu cầu về quần áo mới. Trong khi đó, thói quen mua nhu yếu phẩm đã hình thành trong dịch nay vẫn duy trì. Nhóm quà tặng như ly tách, bình giữ nhiệt, nến thơm... cũng triển vọng do mọi người chăm sóc sức khỏe tinh thần của nhau

Mới đây, theo dự báo của AlphaBeta, xuất khẩu thương mại điện tử B2C tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm, trong giai đoạn 2021-2026. Trong khi đó, eMaketer hồi tháng 6 cho biết Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bán hàng trực tuyến tăng nhanh thứ năm thế giới, với 19% vào 2022.

Trước đó trong báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company công bố cho biết quy mô nền thương mại điện tử Việt Nam năm nay đạt 14 tỷ USD, tương đương Malaysia và Philippines; xếp sau Indonesia và Thái Lan. Thị trường Việt Nam sẽ phát triển 37% mỗi năm và đạt quy mô 32 tỷ USD, tương đương với Thái Lan và cùng đứng nhì Đông Nam Á vào 2025.

Theo THPL