Theo báo cáo tài chính hợp nhất của KBC, quý IV/2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 116 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do các khoản giảm trừ doanh thu lên tới 447 tỷ đồng, KBC ghi nhận doanh thu thuần âm 331 tỷ đồng. Và do doanh thu âm, lợi nhuận gộp cũng âm 292 tỷ đồng.
Trong quý, doanh thu tài chính đạt 103 tỷ đồng, tăng 77%. Nhưng chừng đó chỉ như “muối bỏ biển”, bởi không chỉ kém xa khoản lợi nhuận gộp âm nêu trên mà còn quá nhỏ bé so với các chi phí (chi phí tài chính 151 tỷ đồng, tăng 9%; chi phí quản lý 176 tỷ đồng, gần như không đổi).
Bởi vậy, KBC đã kết quý IV/2022 với khoản lỗ trước thuế lên tới 532 tỷ đồng.
Khoản giảm trừ oái ăm trong quý IV đã làm trầm trọng thêm kết quả doanh thu lũy kế năm 2022 khi doanh thu thuần chỉ đạt 957 tỷ đồng, giảm 77% so với năm trước.
Cơ cấu doanh thu cho thấy nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là sự sụt giảm của việc cho thuê đất và cơ sở hạ tầng (giảm 78%, đạt 664 tỷ đồng) lẫn việc chuyển nhượng bất động sản (giảm 31%, đạt 353 tỷ đồng) trong khi công ty không còn doanh thu bán nhà xưởng như năm trước. Hệ quả là lợi nhuận gộp giảm 89%, đạt 268 tỷ đồng.
Khoản lợi nhuận gộp trên cùng với doanh thu tài chính 337 tỷ đồng (tăng 2,2 lần) vẫn là không đủ để trang trải cho các khoản chi phí khổng lồ của KBC (chi phí tài chính đạt 592 tỷ đồng, chi phí quản lý 458 tỷ đồng).
Công ty sẽ thua lỗ nếu như không có khoản lợi nhuận từ công ty liên kết lên tới 2.199 tỷ đồng. Phần lớn trong số này là lợi nhuận từ việc đánh giá lại khoản đầu tư của KBC vào Công ty Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng, được nêu ra lần đầu tiên trong báo cáo quý II và chính thức ghi nhận trong báo cáo quý III – một trong những chủ đề gây tranh cãi bậc nhất mùa báo cáo tài chính năm 2022.
Nhờ khoản lợi nhuận từ công ty liên kết này, KBC ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 1.719 tỷ đồng, giảm 2,4% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.595 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước.
Theo thống kê của VietnamFinance, đây là lần thứ 3 trong lịch sử, KBC có lợi nhuận sau thuế vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng (2 lần trước là năm 2010 và 2019) và là mức lợi nhuận sau thuế lớn nhất của công ty.
Tuy nhiên, nếu so với tham vọng của KBC trong năm 2022 - mục tiêu doanh thu 9.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng – thì công ty này mới chỉ hoàn thành 9,7% mục tiêu doanh thu và 35,4% mục tiêu lợi nhuận.
Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh năm 2022 của KBC âm 212 tỷ đồng, phản ánh việc lợi nhuận nói trên chỉ là con số trên sổ sách chứ trên thực tế không thu được tiền về. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, KBC có dòng tiền kinh doanh âm.
Về tài sản của KBC, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản đạt 34.932 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi ngân hàng đạt 2.258 tỷ đồng, giảm 16%. Công ty đã đầu tư chứng khoán kinh doanh tới 1.862 tỷ đồng, chủ yếu vào Công ty khách sạn Hoa Sen.
Các khoản phải thu ngắn hạn năm qua đã tăng thêm 19% lên 11.142 tỷ đồng, trong khi các khoản phải thu dài hạn giảm 61% còn 577 tỷ đồng.
Hàng tồn kho cũng tăng thêm 6%, đạt 12.254 tỷ đồng, tập trung tại các dự án: khu công nghiệp và khu đô thị Tràng Cát 7.841 tỷ đồng, khu công nghiệp Tân Phú Trung 1.126 tỷ đồng, khu đô thị Phúc Ninh 1.107 tỷ đồng, khu công nghiệp Nam Sơn – Hạp Lĩnh 1.012 tỷ đồng…
Tổng giá trị hàng tồn kho và các khoản phải thu là 23.973 tỷ đồng, chiếm 68% tổng tài sản.
Ngoài ra, KBC cũng có chi phí xây dựng cơ bản dở dang 1.265 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm, chủ yếu tập trung tại các dự án: Viễn Đông Meridian Towers 744 tỷ đồng, khu Ngoại Giao Đoàn Hà Nội 106 tỷ đồng…
Nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 đạt 17.067 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý là nợ vay đạt 7.638 tỷ đồng, tăng 8%.
Bên cạnh đó, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn cũng tăng 71%, đạt 878 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là tiền thuê đất trả trước tại khu công nghiệp (618 tỷ đồng) và khách đặt cọc mua nhà, quyền sử dụng đất tại khu đô thị Phúc Ninh, Tràng Duệ, Quang Châu (204 tỷ đồng).
Đầu tư Tài chính