DIG đã mở đầu năm 2024 bằng một quý kinh doanh khá tồi tệ: doanh thu thuần chỉ 0,488 tỷ đồng, lỗ sau thuế 121 tỷ đồng, đậm nhất lịch sử. Tuy nhiên, bước sang quý II/2024, tình thế đã xoay chuyển hoàn toàn.
Theo đó, trong quý II/2024, doanh thu thuần của DIG đạt 821 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu doanh thu cho thấy sự gia tăng mạnh của mảng kinh doanh bất động sản (đạt 258 tỷ đồng, tăng 7,8 lần), xây lắp (đạt 493 tỷ đồng, tăng 15,4 lần),
Nhờ vậy, lợi nhuận gộp đạt 203 tỷ đồng, tăng 6,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn thu trong quý của DIG được bổ sung bởi 15 tỷ đồng từ hoạt động tài chính và 7 tỷ đồng từ hoạt động khác. Ngoài ra, DIG ghi âm 8 tỷ đồng chi phí tài chính do hoàn nhập dự phòng.
Bởi vậy, bất chấp sự gia tăng của chi phí bán hàng (13 tỷ đồng, tăng 45%), chi phí quản lý (45 tỷ đồng, tăng 32%) và khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết (7 tỷ đồng), DIG đã kết thúc quý II/2024 với khoản lãi trước thuế 169 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ. Khấu trừ thuế, lãi còn 125 tỷ đồng, tăng 13,8 lần.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của DIG đạt 821 tỷ đồng, tăng 2,3 lần. Lợi nhuận gộp đạt 153 tỷ đồng, tăng 2 lần. Biên lợi nhuận gộp đạt 18,5%. Tuy nhiên, do quý I/2024 lỗ quá đậm, DIG chỉ có thể kết thúc 6 tháng với khoản lãi trước thuế 48 tỷ đồng, giảm 59% và lãi sau thuế 4 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, DIG đặt mục tiêu doanh thu và thu nhập khác hợp nhất đạt 2.300 tỷ, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.010 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần mức thực hiện 2023. Như vậy, kết 6 tháng, DIG mới hoàn thành 35,6% mục tiêu doanh thu và 4,7% mục tiêu lợi nhuận.
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của DIG đạt 18.444 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Các khoản phải thu chiếm 32% tài sản, đạt 5.925 tỷ đồng, giảm 2,6% so với đầu năm. Tuyệt đại đa số là các khoản phải thu ngắn hạn, trong đó lớn nhất là các khoản đã chi tạm ứng đền bù dự án như: Long Tân (2.401 tỷ đồng), Bắc Vũng Tàu (851 tỷ đồng), Chí Linh (140 tỷ đồng)…
Hàng tồn kho trong 6 tháng qua đã tăng 17%, lên 7.654 tỷ đồng, chiếm 41,4% tài sản, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang ở các dự án: Đại Phước (2.141 tỷ đồng), Nam Vĩnh Yên (2.026 tỷ đồng), P4 Hậu Giang (956 tỷ đồng), Long Tân (753 tỷ đồng)…
Đáng chú ý, quy mô tiền của DIG rất lớn, đạt 2.975 tỷ đồng, tăng 19%, chiếm 16% tổng tài sản. Trong đó, tiền và tương đương tiền là 1.600 tỷ đồng, giảm 30%; tiền gửi ngân hàng khác đạt 1.375 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 30/6/2024 là 10.555 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay là 4.325 tỷ đồng, tăng 39%.
Khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của DIG rất lớn, đạt 1.971 tỷ đồng, tăng 11%, tập trung nhiều nhất tại dự án Nam Vĩnh Yên (1.174 tỷ đồng), Vị Thanh (154 tỷ đồng), chung cư A2-1 (371 tỷ đồng)… Ngoài ra, DIG ghi nhận khoản phải trả ngắn hạn khác 2.908 tỷ đồng, tăng 3%, chủ yếu là tiền khách hàng đặt chỗ mua bất động sản (2.365 tỷ đồng).
Với vốn chủ sở hữu 7.889 tỷ đồng, giảm 4 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,33 lần.
Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh 6 tháng của DIG rất xấu khi âm tới 1.210 tỷ đồng (cùng kỳ âm 108 tỷ đồng). Trong 6 tháng, DIG tăng cường chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác và đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, khiến dòng tiền đầu tư âm 659 tỷ đồng.
Hệ quả là DIG phải đẩy dòng tiền thu từ đi vay lên tới 1.804 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ, trong khi giảm quy mô dòng tiền trả nợ gốc vay tới 60%, xuống 643 tỷ đồng.