Đề xuất cơ chế nhằm tránh độc quyền vàng miếng

Trong bối cảnh giá vàng không ngừng tăng cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM đề xuất chỉnh sửa bổ sung Nghị định 24 nhằm tránh tạo ra độc quyền và lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.
vang-mieng-quan-ly-1704381361.jpg
 

Tại họp báo kinh tế xã hội TP.HCM chiều 14/3, NHNN Chi nhánh TP.HCM đã có những đề xuất xoay quanh việc quản lý thị trường vàng, tránh tình trạng độc quyền vàng miếng.

NHNN Chi nhánh TP.HCM cho hay, Nghị định 24 ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã mang lại những kết quả tích cực, quan trọng đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần chống USD hóa, vàng hóa nền kinh tế.

Nhưng sau hơn 10 năm nghị định này đi vào áp dụng, đã và đang xuất hiện những tồn tại hạn chế, vướng mắc như: chênh lệch ngày càng cao giữa giá vàng thế giới và trong nước, tạo vấn đề tâm lý nhất định nơi người dân và nhà đầu tư, đặc biệt mỗi khi thị trường vàng có những biến động.

Những phát sinh hạn chế từ thị trường đòi hỏi nhà điều hành nâng cao hiệu quả công tác quản lý về thị trường, giá vàng, nguyên liệu đầu vào, về công tác thanh tra, kiểm tra, và công tác truyền thông.

Vì vậy, NHNN Chi nhánh TP.HCM đã có kiến nghị, đề xuất cụ thể liên quan đến việc quản lý thị trường vàng và chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 24.

Theo đó, NHNN Chi nhánh TP.HCM kiến nghị chỉnh sửa bổ sung Nghị định 24, song vẫn đảm bảo đạt được mục tiêu quan trọng của Nghị định 24 trong suốt hơn 10 năm qua. Đó là không để thị trường vàng tác động ảnh hưởng đến tỉ giá, đến thị trường ngoại hối và mục tiêu chống USD hóa, vàng hóa.

NHNN Chi nhánh TP.HCM cho rằng, vàng vẫn là loại hàng hóa đặc biệt có quan hệ trực tiếp đến ngoại tệ và tiền đồng; quản lý hiệu quả thị trường vàng có vai trò quan trọng.

Do đó, NHNN Chi nhánh TP.HCM kiến nghị chỉnh sửa bổ sung các quy định liên quan đến quản lý thị trường vàng. Trong đó, xem xét đề xuất cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả tránh tạo ra độc quyền và lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.

Ngoài ra, NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng kiến nghị NHNN nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và quy định hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt nhằm phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và phòng chống hoạt động rửa tiền.

Cơ quan này cũng đề xuất quy định trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến quản lý thị trường vàng (gồm cả vàng miếng và sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ). Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường cũng như kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm.

Công tác thanh tra, kiểm tra không chỉ phát hiện ngăn ngừa và hạn chế sai phạm phát sinh, mà còn làm cơ sở để chỉnh sửa, bổ sung các quy định của pháp luật về lĩnh vực hoạt động này. Trước hết là tổng kết Nghị định 24 để đạt hiệu quả cao trong công tác xây dựng pháp luật về quản lý thị trường vàng.

Theo giới chuyên gia, một số quy định của Nghị định 24 không còn phù hợp trong bối cảnh mới và cần được sửa đổi.

Từ cuối năm ngoái đến nay, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu NHNN có các biện pháp quản lý thị trường vàng, không để giá vàng miếng chênh quá cao so thế giới.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mới đây tiếp tục yêu cầu NHNN nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ giao về quản lý thị trường vàng.

Bên cạnh việc yêu cầu NHNN nhanh chóng tổng kết Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Phó Thủ tướng cũng giao cơ quan này phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương thanh tra, giám sát chặt chẽ thị trường vàng cũng như hoạt động của các doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng...

Những việc này nhằm đảm bảo ổn định, an toàn thị trường vàng, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Từ đầu tháng 3 đến nay, thị trường vàng có nhiều biến động mạnh khi giá vàng tăng nhanh, có những giai đoạn liên tiếp lập đỉnh mới, phá vỡ đỉnh cũ.

Ngày 12/3, giá bán ra của vàng miếng SJC đã lập đỉnh cao lịch sử 82,5 triệu đồng/lượng. Kết phiên 14/3, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 79,5 - 81,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).