Trước nhiều ý kiến đề xuất việc đánh thuế với giao dịch mua bán vàng để góp phần minh bạch hóa thị trường, từ đó bình ổn thị trường vàng, phát biểu tại Tọa đàm “Ngăn ngừa nguy cơ vàng hóa nền kinh tế” mới đây, ông Phạm Xuân Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam; nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng cần phải phân tích cặn kẽ, kỹ lưỡng trước khi quyết định đánh thuế vàng.
“Người dân hiện mua vàng với mục đích để tích trữ, tại sao lại còn phải chịu nộp thuế trên tổng giá trị mua vàng?. Thực tế, người dân đã làm việc và phải nộp thuế rất nhiều lần. Doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng đã nộp 10% thuế GTGT. Việc đánh thuế thêm có thể gây ra tình trạng thuế chồng thuế, gây áp lực cho người dân”, ông Hòe cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phụng, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), cũng nhận định rằng mục đích đánh thuế để chống vàng hóa nền kinh tế là tốt nhưng không thể đánh thuế một cách vô tội vạ.
“Lâu nay chúng ta thường coi công cụ thuế như một chìa khóa vạn năng có thể mở được tất cả các cánh cửa. Nhưng đánh thuế phải dựa trên cơ sở kinh tế và phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính sách phải giúp sản xuất kinh doanh thuận lợi, tạo ra dòng chảy tài chính và nguồn lực cho nền kinh tế, chứ không phải bổ sung thêm sắc thuế mới khiến người dân tiếp tục ôm tiền đi mua vàng để dự trữ. Chính sách thuế cổ xuý cho việc đó là một chính sách thuế thất bại", ông khẳng định.
Theo ông Phụng, hệ thống chính sách thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và mua bán vàng hiện nay tương đối đầy đủ. “Vấn đề đặt ra là chúng ta phải quản lý thế nào để làm sao đảm bảo công bằng giữa người mua, người bán và những người có liên quan cũng như tránh thất thu thuế. Việc cơ quan thuế để các cửa hàng kinh doanh vàng bạc khai báo gian dối về doanh số, thu nhập, chẳng hạn như bán ra 100 cây vàng nhưng chỉ khai báo thuế 20 – 30 cây, là có lỗi với người dân, với Nhà nước”, ông nói.
Cũng theo ông Phụng, để người dân có tâm lý chán vàng, Chính phủ phải tạo ra được một môi trường kinh doanh đầy thuận lợi để người dân có tiền sẵn sàng bỏ ra kinh doanh, thay vì dự trữ vàng.
"Các thị trường đầu tư như chứng khoán, bất động sản... phải phát triển, đồng tiền Việt Nam đồng phải đủ mạnh thì khi đó người dân mới bỏ tiền cho kinh doanh, cho đầu tư hay gửi tiết kiệm. Thế nhưng đấy là một câu chuyện khó", ông Phụng nói.
Liên quan đến những chính sách quản lý thị trường vàng, chống vàng hóa nền kinh tế, TS. Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, đề xuất có thể mở sàn giao dịch vàng.
“Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều giao dịch vàng trên các sàn vàng, ở đó quy định rõ các tiêu chí của một sàn vàng, điều kiện cần và đủ của các chủ thể tham gia sàn. Ngoài ra, các nước đó luôn có Ủy ban Giám sát thị trường hàng hóa để kiểm soát hoạt động của sàn giao dịch vàng. Cơ quan quản lý có thể tham khảo mô hình của sàn vàng Thượng Hải (Trung Quốc) hoặc sàn vàng Bosa của Thổ Nhĩ Kỳ bởi thị trường vàng của các nước này có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam”.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng gợi mở về việc phát hành tín chỉ vàng (ETF). Theo PSG – TS Nguyễn Hữu Huân, nhiều quốc gia trên thế giới cũng cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất ở một số thời điểm nhất định khi đồng nội tệ bị mất giá. Thay vào đó, Nhà nước phát hành tín chỉ vàng (ETF) cho người dân.
“Chẳng hạn như tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bán cho người dân ETF ghi nhận số vàng mà người dân đang nắm giữ là bao nhiêu. Người dân có thể mua số lượng vàng tùy ý. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ phát hành cho họ một tín chỉ như vậy thay vì bán vàng nguyên chất. Người dân có thể mua bán tín chỉ đó với nhau và bán lại cho ngân hàng trung ương. Nhờ đó, Ngân hàng trung ương Mỹ vẫn nắm giữ lượng vàng nguyên chất làm dữ trự ngoại hối”, PGS – TS Nguyễn Hữu Huân dẫn chứng.