Đường đua tăng vốn ngày càng nóng
Trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, hàng loạt công ty chứng khoán đã công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm hơn nghìn tỷ đồng. Cụ thể, Công ty Chứng khoán Vietcap muốn phát hành thêm hơn 280 triệu cổ phiếu, tăng vốn từ 4.375 tỷ đồng lên 7.181 tỷ đồng. Công ty Chứng khoán LPBank (LPBS) muốn tăng vốn gấp 15 lần, từ mức 250 tỷ đồng lên 3.888 tỷ đồng. Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng, lên 7.000 tỷ đồng. Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) lên kế hoạch phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu, tăng vốn gấp đôi lên mức 2.400 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán SSI là doanh nghiệp hiếm hoi ở nhóm quy mô lớn tiếp tục tăng vốn trong cuộc đua mới này, lên kế hoạch chào bán hơn 151 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, cùng với đó là phát hành hơn 302 triệu cổ phiếu thưởng. Việc thiếu vắng các “ông lớn” trong đường đua tăng vốn này được lý giải là ở giai đoạn 2020-2021, các công ty chứng khoán lớn đã tăng vốn quá nhanh, thậm chí một số công ty đạt quy mô vốn của một ngân hàng tầm trung. Trong khi đó, diễn biến thị trường chứng khoán sau giai đoạn đó không thuận lợi, dẫn đến việc sử dụng vốn không hiệu quả.
Theo các chuyên gia, nhóm công ty chứng khoán quy mô vừa và nhỏ có lợi thế hơn trong đường đua tăng vốn sắp tới khi có thể tăng gấp đôi, gấp ba so với quy mô hiện tại. Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, ông Hồ Sỹ Hoà, Giám đốc Tư vấn và Đầu tư của Công ty Chứng khoán DNSE - doanh nghiệp vừa huy động vốn thành công trong năm 2024 sau đợt IPO - cho rằng tăng vốn là một trong những điều kiện cần giúp các công ty chứng khoán có thể phục vụ được số lượng lớn nhà đầu tư cũng như quy mô giao dịch ngày càng gia tăng, song song với đó cũng đặt ra bài toán sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động được.
Tính đến cuối năm 2023, tổng số tài khoản chứng khoán tại thị trường Việt Nam đạt 7,25 triệu tài khoản, chiếm 7,3% dân số. Theo ông Hồ Sỹ Hoà, con số này còn quá khiêm tốn so với các quốc gia khác trong khu vực, cũng như các thị trường mới nổi khác như Thái Lan và Malaysia lần lượt là 7,5% và 12,5%. “Việc đáp ứng quy mô và nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường là điều hết sức cấp thiết đối với các công ty chứng khoán. Các công ty nếu đã sử dụng gần chạm “room” cho vay ký quỹ thì bài toán tăng vốn là tất yếu”, đại diện DNSE cho biết.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, huy động vốn là yếu tố quyết định việc tăng biên lợi nhuận mảng cho vay ký quỹ - động lực tăng trưởng quan trọng của các công ty chứng khoán. Những công ty có thị phần môi giới lớn và có khả năng huy động được lượng vốn lớn sẽ có nhiều dư địa phát triển hoạt động cho vay ký quỹ trong tương lai. Cùng với đó, tăng vốn cũng là một trong những yếu tố chính quyết định tăng trưởng của hoạt động tự doanh - mảng quan trọng thứ hai trong mô hình kinh doanh của các công ty chứng khoán.
Bên cạnh đó, theo Công ty Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), nhiều công ty chứng khoán phải tăng cường huy động vốn để hỗ trợ hoạt động kinh doanh trong bối cảnh Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấm công ty chứng khoán huy động tiền từ khách hàng. Trước đó, vào cuối năm 2023, UBCKNN đã phát đi văn bản yêu cầu các công ty chứng khoán không thực hiện các hoạt động huy động tiền gửi từ khách hàng, làm khách hàng hiểu nhầm công ty chứng khoán có chức năng nhận tiền gửi như tổ chức tín dụng.
Tăng vốn cũng giúp các công ty chứng khoán giảm thiểu rủi ro từ gia tăng nợ vay ngắn hạn. Đồng thời, việc bổ sung vốn cũng cần thiết trong bối cảnh nhiều công ty chứng khoán phải thực hiện các cam kết mua lại trái phiếu doanh nghiệp.
Chuẩn bị cho cuộc chơi mới
Bổ sung thêm, ông Hồ Sỹ Hoà nhận định một trong những nguyên nhân thúc đẩy cuộc đua tăng vốn càng thêm nóng là để chuẩn bị nguồn lực đón con sóng nâng hạng thị trường với nhiều triển vọng gia tăng về quy mô giao dịch cũng như cơ sở nhà đầu tư. Nhiều tổ chức ước tính, giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán có thể tăng lên 2-3 tỷ USD/phiên, thậm chí nhiều hơn.
Cuộc đua tăng vốn công ty chứng khoán được dự báo sẽ còn nóng ngay cả khi thị trường đã nâng hạng lên mới nổi. Theo đó, công ty chứng khoán cần có đủ nguồn lực đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, nâng cao trải nghiệm người dùng và theo đuổi chiến lược phí 0 đồng, mở rộng thị phần môi giới, bên cạnh các hoạt động cho vay ký quỹ và giao dịch tự doanh.
Theo ông Hồ Sỹ Hoà, để đón sóng nâng hạng thị trường, ngoài việc đáp ứng quy mô vốn, các công ty chứng khoán phải không ngừng nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ để đảm bảo số lượng giao dịch lớn, tần suất giao dịch nhiều khi hệ thống KRX đi vào hoạt động cùng kỳ vọng rút ngắn thời gian giao dịch về T+0. Khi quy mô khách hàng gia tăng, hệ thống giao dịch phải đảm bảo thông suốt, tránh tình treo, gây ảnh hưởng đến chất lượng giao dịch của nhà đầu tư, cũng như của thị trường.
Ngoài ra, đại diện DNSE cho rằng cần nâng cấp dịch vụ, đa dạng hoá sản phẩm, bổ sung ngôn ngữ tiếng Anh để phù hợp với nhiều nhóm khách hàng khác nhau, từ khách hàng cá nhân không chuyên đến các nhà đầu tư chuyên nghiệp, cũng như nhóm khách hàng tổ chức nước ngoài. “Cần chuẩn bị ngay từ bây giờ để đón sóng nâng hạng thị trường”, ông Hồ Sỹ Hoà nhấn mạnh.
Trong đánh giá mới nhất, Việt Nam đã đáp ứng 9/18 tiêu chí của MSCI và đạt tổng cộng 11/24 tiêu chí của FTSE. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), trong tháng 3 này, FTSE sẽ có kỳ đánh giá và đến tháng 9/2024 khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được tổ chức này xem xét nâng hạng chính thức. Đến tháng 9/2025, FTSE có thể chính thức nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi. Với MSCI, BSC cho biết tổ chức này sẽ có kỳ đánh giá đối với thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 6/2024 và khả năng đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi vào tháng 6/2025. |