So với cùng kỳ năm trước, lãi sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 của Phú Mỹ Hưng giảm tới 76% (6 tháng đầu năm 2022 đạt 2.672 tỷ đồng). Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) vì vậy giảm từ 18% của cùng kỳ xuống chỉ còn 5%.
Trước đó, năm 2022, Phú Mỹ Hưng lãi rất lớn, đạt 3.615 tỷ đồng (sau thuế), tăng trưởng 40% so với năm trước, ROE đạt 25%. Năm 2021, công ty cũng báo lãi sau thuế tới 2.574 tỷ đồng, ROE đạt 18%.
Như vậy, có thể thấy, hoạt động kinh doanh năm 2023 của Phú Mỹ Hưng sa sút đáng kể so với 2 năm liền kề trước đó.
Về tài sản, tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Phú Mỹ Hưng đạt 32.886 tỷ đồng, giảm 4% so với cuối năm 2022, giảm 13% so với thời điểm 30/6/2022 và giảm 10% so với cuối năm 2021.
Tài trợ phần lớn cho khối tài sản tỷ USD của Phú Mỹ Hưng là nợ phải trả, đạt 19.068 tỷ đồng (bằng 58% tổng tài sản) giảm 4% so với cuối năm 2022, giảm 16% so với thời điểm 30/6/2022 và giảm 13% so với cuối năm 2021.
Với vốn chủ sở hữu đạt 13.818 tỷ đồng - giảm 4% so với cuối năm 2022, giảm 8% so với thời điểm 30/6/2022 và giảm 4,7% so với cuối năm 2021 - hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Phú Mỹ Hưng là 1,38 lần, cải thiện chút đỉnh so với cùng kỳ năm trước là 1,52 lần.
Trong cơ cấu nợ phải trả, nợ trái phiếu chiếm một tỷ trọng đáng kể. Tại thời điểm 30/6/2023, nợ trái phiếu của Phú Mỹ Hưng là 8.152 tỷ đồng.
Bán niên 2023, Phú Mỹ Hưng đã trả 577 tỷ đồng tiền lãi cho 3 lô trái phiếu, gồm: PMH.300.2019 (phát hành ngày 1/8/2019, kỳ hạn 7 năm, giá trị phát hành 300 tỷ đồng, trả lãi 1 tháng/lần), PMH.1700.2019.01 (phát hành ngày 4/9/2019, kỳ hạn 2.476 ngày, giá trị phát hành 800 tỷ đồng, trả lãi 6 tháng/lần), PMH.1700.2019.02 (phát hành ngày 2/3/2020, kỳ hạn 2.296 ngày, giá trị phát hành 900 tỷ đồng, trả lãi 6 tháng/lần).
Trong năm 2022, công ty cũng đã chi trả hơn 125 tỷ đồng tiền lãi cho 3 lô trái phiếu nói trên.