CTCP Vĩnh Hoàn lỗ nặng vì đầu tư chứng khoán

Thời gian qua, thị trường chứng khoán lao dốc đã khiến nhà đầu tư, các quỹ lỗ nặng, một số doanh nghiệp “tay ngang” đầu tư vào chứng khoán lao đao, CTCP Vĩnh Hoàn cũng phải hứng chịu đòn đau khi thị trường đột ngột đổ dốc trong năm 2022. Hiện “vua cá tra” đang lỗ trên giấy 44% ở NLG, 46% ở DXS và 24% ở KBC.

CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ giá bán tăng. Cụ thể, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn tăng 46% lên 3.261 tỷ đồng.

Tạp chí Thương trường đưa tin, trong giai đoạn này, doanh thu tài chính và chi phí tài chính đều tăng mạnh. Tính chung "vua cá tra" lãi 56 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, chủ yếu là nhờ chênh lệch tỷ giá. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 57%, lên 81 tỷ đồng trong quý 3/2022. Kết quả, doanh nghiệp thủy sản này lãi ròng 450 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đây là mức lãi thấp nhất trong 1 năm qua và là tín hiệu đáng ngại với các doanh nghiệp có chu kỳ như Vĩnh Hoàn.

Kết quả kém lạc quan so với các quý trước đến từ sự hạ nhiệt của thị trường cá tra trong những tháng gần đây, với giá bán và sản lượng bắt đầu giảm. Trong đó, Mỹ, thị trường chính của Vĩnh Hoàn, đang bị tác động tiêu cực vì lạm phát. Dù báo lãi lớn, nhưng các khoản lỗ từ chứng khoán tiếp tục là vệt đen trong báo cáo tài chính của Vĩnh Hoàn.

CTCP Vĩnh Hoàn lỗ nặng vì đầu tư chứng khoán. Ảnh: Internet

Tính tới cuối quý 3/2022, “vua cá tra” đang ghi nhận khoản dự phòng giảm giá chứng khoán gần 79 tỷ đồng, tương ứng với mức lỗ 41% dựa trên giá gốc 191 tỷ. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn tăng 38% so với đầu năm đạt 2.943,1 tỷ đồng, chiếm 24,7% tổng tài sản. Hàng tồn kho cũng tăng mạnh 56,5% lên 2.805 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9 và phải dự phòng giảm giá hàng tồn kho 371 tỷ đồng.

Vĩnh Hoàn cũng đang nắm hơn 2.200 tỷ tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn, trong đó chủ yếu là các khoản tiền gửi dưới 1 năm. Trong danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn, Công ty có thuyết minh đang đầu tư 190,95 tỷ đồng vào chứng khoán. Tuy nhiên giá trị hợp lý chỉ còn hơn 112 tỷ đồng, doanh nghiệp này phải dự phòng gần 79 tỷ đồng, tương ứng với mức lỗ 41%.

Thực tế, các mã cổ phiếu Vĩnh Hoàn đầu tư, chủ yếu là cổ phiếu bất động sản đều biến động mạnh trong quý vừa qua. Với khoản đầu tư gốc 71,07 tỷ đồng vào cổ phiếu NLG, VHC đã phải đã trích lập dự phòng 31,09 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ trích lập là 43,7%. Khoản đầu tư có tỷ suất lỗ nhiều nhất là 46,5% khi Công ty trích lập dự phòng 24,6 tỷ đồng trên tổng 52,89 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu DXS là 46,5%.

Vĩnh Hoàn cũng đang lỗ 24% với hơn 27,01 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu KBC và các khoản đầu tư vào các cổ phiếu khác cũng lỗ 42%. Cuối quý 3, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng thêm hơn 1.190 tỷ đồng so với đầu năm lên 4.043 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn chiếm phần lớn với tỷ lệ hơn 95,1%, tương ứng với 3,847 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 41,2% so với đầu năm, lên 2.671,3 tỷ đồng và chiếm 22,4% tổng nguồn vốn. Đa số là vay ngắn hạn từ các ngân hàng. Khoản vay này tốn của doanh nghiệp 64 tỷ đồng lãi vay trong ba quý đầu năm.

Liên quan đến CTCP Vĩnh Hoàn, tạp chí VnEconomy cho hay, trước đó tại báo cáo tài chính quý 2/2022 của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho thấy, tính đến cuối tháng 6, công ty này đầu tư chứng khoán tới gần 200 tỷ đồng. Cụ thể, Vĩnh Hoàn đã rót 40 tỷ đồng mua mới cổ phiếu KBC của Công ty cổ phần Đô thị Kinh Bắc và tạm lỗ 17,7 tỷ đồng. Vĩnh Hoàn cũng tăng mạnh khoản đầu tư vào cổ phiếu NLG của Nam Long từ 24 tỷ đồng lên 69 tỷ đồng, tạm lỗ gần 24 tỷ đồng; đồng thời tiếp tục duy trì khoản đầu tư 53,2 tỷ đồng vào cổ phiếu DXS của Đất Xanh Services và cũng tạm lỗ 35,5 tỷ đồng.

Theo THPL