Công ty Cổ phần sơn Bostik Việt Nam có dấu hiệu kinh doanh sơn giả mạo nhãn hiệu

Cục QLTT Hà Nội vừa phát hiện Công ty Cổ phần sơn Bostik Việt Nam kinh doanh sơn nội thất có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ.

Sau quá trình nắm bắt thông tin và thực hiện biện pháp nghiệp vụ thẩm tra xác minh đối với hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với Công ty Cổ phần sơn Bostik Việt Nam tại địa chỉ Xóm 2, xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội, ngày 14/11/2023, Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với Công ty Cổ phần sơn Bostik Việt Nam tại địa chỉ Xóm 2, xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội cùng với sự phối hợp của đại diện chính quyền địa phương.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại Cơ sở đang kinh doanh 512 thùng sơn nội thất các loại trên vỏ thùng có ghi nhãn BOSTIK, hình. Toàn bộ số sản phẩm hàng hóa này do Công ty cổ phần sơn BOSTIK Việt Nam sản xuất. Qua đấu tranh, làm việc, Đoàn kiểm tra xác định toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa xâm phạm quyền đối nhãn hiệu đang đươc bảo hộ của BOSTIK SA. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh và xử lý hành vi vi phạm theo quy định.

Công ty Cổ phần sơn Bostik Việt Nam kinh doanh sơn nội thất giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: Cục QLTT Hà Nội

Tại buổi làm việc, Giám đốc Công ty Cổ phần sơn Bostik Việt Nam thừa nhận toàn bộ hàng hóa là 512 thùng sơn nội thất các loại trên vỏ thùng có ghi nhãn BOSTIK, hình là hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như kết luận giám định sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt, toàn bộ số hàng hóa này không chỉ được bày bán công khai tại địa điểm kinh doanh của Công ty Cổ phần sơn Bostik Việt Nam mà còn được đăng tải trên website thương mại điện tử của Công ty có tên miền https://sonbostik.com/ để giới thiệu quảng bá sản phẩm đến khách hàng cũng như người tiêu dùng trên toàn quốc. Hiện Đội Quản lý thị trường số 1 đang tổng hợp hồ sơ và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xử lý theo quy định của pháp luật.

 
Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) sơn giả hay còn gọi là sơn cỏ có ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người thì những người thường xuyên tiếp xúc với sơn trực tiếp sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp và ung thư phổi cao hơn 20% so với những người bình thường.

Đặc biệt nhất phải kể đến là những người thợ sơn - những người hàng ngày thực hiện công việc và thường hít phải mùi sơn rất nhiều. Trong đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc tiếp xúc với sơn nhà đủ lâu còn gây ra những bệnh về sinh sản, nặng nhất có thể gây ra tình trạng vô sinh.

Trong đó, dung môi của sơn được hình thành từ benzen - một thành phần có khả năng hấp thụ khí oxi và tạo ra VOCs – một hợp chất hữu cơ bay hơi là nguyên nhân chính gây nên các bệnh về đường hô hấp gây ra khó thở hay các bệnh về da và về mắt. Nếu hít phải chất này thòi gian dài còn gây ra hen xuyễn. Hoặc những ai đã mắc bệnh trước đó thì tình trạng bệnh càng trở nên nặng hơn. Trong thành phần của sơn, VOCs chỉ được cho phép với nồng độ <0,3%. Vì vậy loại sơn nào càng có nồng độ VOCs thấp thì chứng tỏ sơn đó càng an toàn.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ 2005, các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu bao gồm: Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.

Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.

Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.”

Hiện nay, vi phạm nhãn hiệu thường gặp phổ biến nhất có thể kể đến là “Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ”