Cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt nhịp hồi phục, OCB tăng trần với thanh khoản ấn tượng

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11 khi là nhóm dẫn dắt và nâng đỡ thị trường chung. Nổi bật, cổ phiếu OCB dẫn đầu nhóm ngân hàng về mức tăng giá với thanh khoản rất cao.

Thị trường trong nước có phiên tăng thứ hai liên tiếp trong chuỗi tăng 4/6 phiên kể từ đáy 962,45 điểm. Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE đạt 9.823 tỷ đồng, tương đương với phiên hôm qua và cao hơn so với mức bình quân 8.800 tỷ đồng của tuần trước. Tổng cộng có 576 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 515 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.

 

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. (Nguồn: KBSV).
Đồ thị kỹ thuật VN-Index. (Nguồn: KBSV).

 

Xét riêng nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm ngành dẫn dắt nhịp hồi phục của thị trường. Phần lớn các cổ phiếu đều duy trì sắc xanh đến cuối phiên và tính chung toàn ngành đã đóng góp 5,2 điểm cho VN-Index.

Tại danh mục tăng giá, phần lớn các cổ phiếu vốn hoá lớn ghi nhận biên độ dao động rộng hơn các mã midcap và penny trên sàn HNX và thị trường UPCoM.

Trong đó, cổ phiếu OCB bất ngờ tăng trần trong phiên chiều và đóng cửa tại 14.100 đồng/cp. Khối lượng giao dịch của mã này đạt 2,5 triệu đơn vị, gấp 2,5 lần mức trung bình 10 phiên gần nhất.

Hai cổ phiếu TPB và VPB cũng nhận được lực cầu tích cực với tỷ lệ tăng tương ứng 5,3% và 5,2%. Ngoài ra, mã STB có thời điểm đã chạm giá trần nhưng kết phiên hạ độ cao xuống còn 4,6%. Một số cổ phiếu vốn hoá lớn cũng diễn biến tích cực trong phiên hôm nay gồm TCB (4,3%), VIB (2,8%), LPB (2,1%), VCB (2%), MSB (2%), MBB (1,7%)...

Ở chiều giảm giá, cổ phiếu EIB tiếp tục dẫn đầu chiều giảm giá phiên thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, biên độ giảm trong phiên hôm nay đã được thu hẹp xuống còn 2,7%.

Bên cạnh đó, hai cổ phiếu ngân hàng quốc doanh là CTG và BID cũng không giữ được vai trò dẫn dắt thị trường và đảo chiều điều chỉnh lần lượt 0,6% và 1,4%.

Về thanh khoản, giá trị khớp lệnh cổ phiếu ngân hàng tăng đạt 2.610 tỷ đồng, tăng 45% so với phiên giao dịch trước. Cổ phiếu STB ghi nhận khối lượng 29,5 triệu đơn vị, đứng thứ hai về thanh khoản toàn thị trường chỉ sau mã HPG. Các mã khớp lệnh trên 10 triệu đơn vị còn có VPB, MBB và SHB.

Đối với giao dịch khối ngoại, trong khi nhận được lực cầu từ dòng tiền nhà đầu tư trong nước, cổ phiếu ngân hàng lại bị khối ngoại bán ròng gần 50 tỷ đồng. Khối này chủ yếu bán ròng mã STB với giá trị 43 tỷ đồng, ngoài ra còn có CTG, BID, HDB...

Diễn biến cổ phiếu ngân hàng phiên đầu tháng 11
Diễn biến cổ phiếu ngân hàng phiên đầu tháng 11

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang được đánh giá tích cực. Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế Trưởng VinaCapital cho rằng định giá cổ phiếu ngân hàng hiện đang ở mức rẻ với P/B trung bình 1.3x so với 19.2% ROE và P/E FY22 ở mức 9.1x so với mức tăng trưởng thu nhập dự kiến ít nhất là 30% vào năm 2022 và 20% vào năm 2023.

Trong dài hạn, ông Kokalari đánh giá ngành Ngân hàng tiếp tục có sức hấp dẫn cao do tỷ suất lợi nhuận cao, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt. Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển kinh tế, do đó ngành Ngân hàng chưa đến giai đoạn bão hòa.

Đặc biệt, sức khỏe hệ thống ngân hàng đã được cải thiện rất nhiều, với gần 20 NHTM, chiếm đa số trong hệ thống, đã được công nhận đạt chuẩn Basel II. Hiện chưa có lộ trình cụ thể cho các NHTM triển khai Basel III, tuy nhiên, đã có một số ngân hàng tiên phong trong việc triển khai bộ tiêu chuẩn để củng cố thêm chất lượng về vốn và đặc biệt là năng lực thanh khoản.

Tuy nhiên Agriseco nhấn mạnh cơ hội sẽ không trải đều cho tất cả cổ phiếu mà sẽ có sự phân hóa. Những ngân hàng được cấp room tín dụng cao hơn so với mức trung bình toàn ngành, tăng trưởng bền vững, bộ đệm an toàn vốn và chất lượng tài sản tốt sẽ có triển vọng khả quan hơn. Bên cạnh đó, kế hoạch tăng vốn cuối năm cũng sẽ là đà thúc đẩy hỗ trợ cho giá cổ phiếu ngân hàng.

Theo KTCK