Cơ cấu cổ đông của ACB hiện ra sao?

Trong danh sách cổ đông nắm giữ hơn 1% vốn trở lên mà ACB vừa công bố, ngoài những pháp nhân liên quan đến Chủ tịch Trần Hùng Huy còn xuất hiện nhóm cổ đông mới.

Chủ tịch Trần Hùng Huy nắm giữ bao nhiêu vốn ACB?

Thực hiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (sửa đổi), cuối tháng 7/2024, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB, MCK: ACB) đã công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.

Theo đó, tính đến ngày 30/7/2024, ông Trần Hùng Huy- Chủ tịch HĐQT ACB nắm 153 triệu cổ phiếu ACB, tương đương tỷ lệ 3,427%. Trong khi đó, nhóm người có liên quan đến ông Huy nắm giữ 367 triệu cổ phiếu, tương đương 8,218%. Tổng cộng, ông Huy và nhóm người liên quan đang sở hữu hơn 520 triệu cổ phiếu, chiếm gần 12% vốn điều lệ của ACB.

ACB còn có 1 cổ đông cá nhân khác sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên là bà Đặng Thu Thủy (mẹ ông Trần Hùng Huy)- Thành viên HĐQT ACB. Tính đến thời điểm công bố, bà Thu Thủy sở hữu 53,3 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 1,194%. Còn nhóm người có liên quan đến bà Thủy nắm giữ hơn 467 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 10,457%.

Cũng theo công bố này, ACB còn có 3 tổ chức nước ngoài nắm giữ trên 1% vốn điều lệ bao gồm: Smallcap World Fund, Inc. (2,51%); Boardwalk South Limited (1,842%); VOF PE Holding 5 Limited (1,715%) và một công ty bảo hiểm là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ Prudential Việt Nam (1,555%)..

Mới đây, ngày 10/9/2024, ACB công bố bổ sung danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng này.

Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Giang Sen nắm giữ hơn 80 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ sở hữu là 1,798%.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bách Thanh nắm gần 56 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 1,25%.

ngan-hang-acb-1695221591.png
 

Đáng chú ý, theo Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024 của ACB, cả Giang Sen và Bách Thanh đều là doanh nghiệp có liên quan đến Chủ tịch Trần Hùng Huy.

Theo tìm hiểu của PV, Giang Sen thành lập năm 2018, với ngành nghề chính là hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu. Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng Giám đốc là ông Phan Thanh Minh.

Khi mới thành lập, Giang Sen có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, gồm các cổ đông: Trần Mộng Hùng (5%)và ông Phan Trần Minh Quân (5%) và Phan Thanh Minh (90%).

Đến ngày 1/3/2019, vốn công ty tăng lên gần 695 tỷ đồng. Ngay trước thời điểm Giang Sen tăng vốn, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo đã thực hiện chuyển quyền sở hữu hơn 51,7 triệu cổ phiếu ACB.

Bên chuyển nhượng gồm: Ông Trần Mộng Hùng, ông Trần Minh Hoàng và bà Trần Đặng Thu Thảo. Trong đó, ông Trần Mộng Hùng chuyển nhượng toàn bộ số cổ phiếu ACB trực tiếp sở hữu (gần 23 triệu cổ phiếu) cho Công ty Giang Sen; ông Trần Minh Hoàng chuyển hơn 16 triệu cổ phiếu cho Bách Thanh và bà Trần Đặng Thu Thảo chuyển hơn 12,7 triệu cổ phiếu cho Vân Môn.

Còn Bách Thanh cũng một pháp nhân quen mặt trong "hệ sinh thái" của gia đình ông Trần Hùng Huy. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 11/2018 với vốn điều lệ ban đầu 5 tỷ đồng; gồm 3 cổ đông góp vốn: ông Trần Minh Hoàng (tỷ lệ 5%), bà Trần Thị Minh Hà (5%) và ông Trần Trọng Nhân (90%).

Trong số các cổ đông trên, bà Trần Minh Hà còn được biết đến là cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Thương mại Nghi Lan.

Hiện, Tổng Giám đốc của Nghi Lan là bà Tạ Ngọc Mai Khanh (SN 1990). Đồng thời, bà Mai Khanh cũng kiêm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại Hồng Hoàng.

Cả Hồng Hoàng và Nghi Lan cũng đều có mối quan hệ "mật thiết" với ACB. Trong đó, Hồng Hoàng, doanh nghiệp này thành lập vào ngày 2/11/2016, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý. Vốn điều lệ khi đó là 5 tỷ đồng nhưng công ty này có khối tài sản đảm bảo 61 triệu cổ phiếu ACB định giá thị trường gần 1.500 tỷ đồng.

Không bao lâu sau thương vụ Hồng Hoàng phát hành trái phiếu, ngày 1/11/2019, doanh nghiệp này đã thế chấp 60.771.055 cổ phiếu ACB tại Saigon Asia Credit Limited - một pháp nhân được thành lập ở Cayman Islands.

Nhóm cổ đông mới

Tại danh sách cổ đông mới công bố, ACB ghi nhận thêm 3 cổ đông gồm: Công ty Cổ phần Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương; Nguyễn Thiên Hương JENNY và Nguyễn Đức Hiếu JONNY.

co-cau-co-dong-acb-1726115607.png

Nguồn: ACB

 

Trong đó, Công ty Thiên Hương sở hữu 60 triệu cổ phiếu ACB, người có liên quan đến cổ đông tổ chức này nắm hơn 113 triệu cổ phiếu; tương ứng tỷ lệ sở hữu lần lượt là 1,34% và 2,54%.

Hiện, bà Ngô Thu Thúy là Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Hương. Ngoài ra, bà Thúy còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Âu Lạc - một doanh nghiệp vận tải xăng dầu có tiếng ở TP.HCM.

Đáng chú ý, bên cạnh Công ty Thiên Hương, 2 người con của bà Ngô Thu Thúy cũng có mặt trong danh sách bổ sung cổ đông của ACB.

Cụ thể, cổ đông Nguyễn Thiên Hương JENNY nắm giữ hơn 60 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 1,34%. Người có liên quan cổ đông này sở hữu trên 113 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng tỷ lệ 2,54%.

Còn cổ đông Nguyễn Đức Hiếu JONNY sở hữu trên 47 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ sở hữu là 1,06%. Số cổ phần của người có liên quan đến cổ đông này là 126 triệu cổ phiếu; tương đương 2,8% vốn của ngân hàng.

ACB báo lãi ròng bán niên 2024 đạt 8.374 tỷ đồng

Về tình hình kinh doanh, theo BCTC hợp nhất quý II/2024, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, ACB ghi nhận thu nhập lãi thuần 13.833 tỷ đồng, tăng 11% so với nửa đầu năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.490,6 tỷ đồng, tăng 5,5% và hoàn thành được 48% mục tiêu 22.000 tỷ đồng lợi nhuận năm.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của ACB là 769.678,7 tỷ đồng, tăng 7,1% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 15% còn 15.725 tỷ đồng; tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác cũng giảm 8% xuống còn 105.419 tỷ đồng.

Về phía huy động, tiền gửi của khách hàng đạt 511.696 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Cho vay khách hàng ở mức 543.853 tỷ đồng, tăng 12,7%.

Về chất lượng nợ cho vay (không bao gồm 7.500,7 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của Công ty TNHH Chứng khoán ACB), tổng nợ xấu của ngân hàng tính đến cuối quý II/2024 là 8.122,6 tỷ đồng, tăng gần 38% so với hồi cuối năm 2023.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 37% lên 1.287,7 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 24,8% lên gần 1.309,5 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 41,8% lên mức 5.525,6 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 1,22% lên gần 1,5%.