Dự án dự kiến 1 ngày đón trung bình khoảng 500 lượt khách, 1 năm phục vụ 175.000 lượt khách. Doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh dịch vụ dự án gồm: Doanh thu từ vé tham quan du lịch khoảng 400.000 đồng/lượt (70 tỷ đồng/năm); doanh thu từ vé trông giữ xe 50.000 đồng/lượt (8,7 tỷ/năm); doanh thu từ các hoạt động dã ngoại, cắm trại, vui chơi, thuê xe dự kiến trung bình khoảng 300.000 đồng/lượt (52,5 tỷ đồng). Doanh thu từ hoạt động ăn uống, giải khát, dự kiến 500.000 đồng/lượt (87,5 tỷ đồng).
Doanh thu từ trang trại, cây cảnh, dự kiến 100.000 đồng/lượt (17,5 tỷ đồng). Doanh thu từ dịch vụ lưu trú (khách sạn, bungalow) khoảng 700.000 đồng/lượt (122,5 tỷ đồng). Doanh thu từ các dịch vụ hỗ trợ khác (bán đồ lưu niệm, các sản phẩm địa phương), trung bình 100.000 đồng/lượt (17,5 tỷ đồng).
Theo tờ trình của Vườn quốc gia Tam Đảo gửi Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp về việc đề nghị thẩm định Dự án Khu du lịch sinh thái số 2, quy định (tại khoản 6, Điều 14, Nghị định 156/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 của Chính phủ) về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp (tối thiểu 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng trong phạm vi diện tích thuê môi trường rừng).
Đối với dự án này, tỷ lệ phần trăm doanh thu tính giá thuê môi trường rừng là 1,5%, tương ứng khoảng 2,048 tỷ/năm, theo phương án nhà đầu tư.
Theo hợp đồng ký giữa Vườn Quốc gia Tam Đảo và Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo, thời gian thuê rừng là 30 năm.
Sau thời gian này, nếu bên B thực hiện đúng hợp đồng và có nhu cầu thì bên A xem xét tiếp tục kéo dài thời gian thuê. Giá thuê môi trường rừng điều chỉnh giá thuê 5 năm một lần.
Hiện Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo đang xin đánh giá tác động môi trường dự án Khu du lịch sinh thái số 2, tại Vườn quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Theo hồ sơ, dự án có tổng diện tích gần 68 ha, thuộc Tiểu khu 102 và Tiểu khu 105A, Phân khu du lịch - hành chính của Vườn quốc gia Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 731,480 nghìn tỷ đồng.
Mục tiêu dự án nhằm khai thác các tiềm năng tự nhiên về cảnh quan, môi trường và sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên của hệ sinh thái rừng, văn hóa phát triển du lịch; thu hút nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở trong nước và nước ngoài để phát triển du lịch sinh thái...
Dự án được thực hiện chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là 61 ha, giai đoạn 2 là 6,8 ha. Công suất thiết kế dự kiến đạt khoảng 175.000 khách/năm.
Theo quy hoạch phân khu chức năng, dự án gồm: Khu dừng chân nghỉ ngơi 23.000m2, nhà hàng - dịch vụ 91.000m2, khu dịch vụ - sinh hoạt cộng đồng 18.000m2... Theo đó, có 6 khu nhà nghỉ dừng chân (ND1-ND6), với diện tích 23.00m2, diện tích xây dựng 9.379m2, xây cao 2 tầng, mật độ xây dựng 40%. Khu nhà hàng - dịch vụ (DV-CD 1-8), diện tích 18.060m2, diện tích xây dựng 7.224m2, chiều cao 2 tầng, mật độ xây dựng 40%....
Vườn Quốc gia Tam Đảo nằm trọn trên dãy núi Tam Đảo, trải rộng trên 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Nơi đây nổi tiếng là một khu rừng rậm sinh thái với diện tích gần 35.000 ha, trong đó diện tích rừng là 26.000 ha.
Thông tin các yếu tố nhạy cảm về môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường cho rằng dự án thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo là khu bảo tồn. Nguồn tiếp nhận nước thải sau xử lý của dự án là suối Theo Cầu; nước từ suối chảy về hồ Thanh Lanh.
Hồ chứa nước Thanh Lanh là công trình cấp II, được xây dựng với nhiệm vụ tưới cho đất canh tác nông nghiệp của 4 xã thuộc huyện Bình Xuyên. Ngoài ra, hồ còn có nhiệm vụ ngăn lũ cho các xã vùng thấp của huyện này.
Chủ đầu tư cam kết chỉ thực hiện xây dựng các công trình trên phần diện tích đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi, đất rừng trồng.
"Khu vực dự kiến xây dựng các công trình chủ yếu do người dân đã canh tác trước khi thành lập vườn, đất đồi núi tại dự án là cây trồng lâu năm chủ yếu gồm cây thông, keo, bạch đàn, hải đường, cây hoa ban", theo báo cáo.
Tuy nhiên, có ý kiến chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng phải hết sức thận trọng khi phê duyệt dự án trên.