BlackRock, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, thông báo hôm thứ Năm (9/1/2024) rằng họ sẽ rời Sáng kiến Các nhà quản lý tài sản Net Zero (Net Zero Asset Managers Initiative - NZAMI). Quyết định này khiến BlackRock trở thành cái tên mới nhất tại Phố Wall rút khỏi các nhóm chống biến đổi khí hậu dưới áp lực từ các chính trị gia Đảng Cộng hoà, hãng tin Reuters cho hay.
BlackRock, với khối tài sản lên tới 11.500 tỷ USD, cho biết 2/3 khách hàng toàn cầu của họ đã cam kết Net Zero. Điều này khiến việc “gã khổng lồ” này tham gia vào các nhóm như NZAMI là hợp lý.
“Tuy nhiên, tư cách thành viên tại các tổ chức này đã gây ra sự nhầm lẫn về các hoạt động của BlackRock và dẫn đến các cuộc điều tra pháp lý từ nhiều quan chức chính quyền”, Reuters trích dẫn nội dụng bức thư mà BlackRock gửi khách hàng. Đây được xem là nguyên nhân dẫn đến quyết định rút lui của định chế tài chính này.
Dưới sức ép ngày càng tăng từ phía Đảng Công hoà, cả sáu ngân hàng lớn nhất nước Mỹ – JPMorgan, Citigroup, Bank of America, Morgan Stanley, Wells Fargonvà Goldman Sachs – cũng đã rút khỏi một tổ chức tương tự dành cho ngành ngân hàng, Net Zero Banking Alliance (NZBA), chỉ trong vài tuần ngắn ngủi.
Về phía BlackRock, định chế tài chính này khẳng định khẳng định, việc rút khỏi NZAMI không làm thay đổi cách họ phát triển sản phẩm và giải pháp cho khách hàng hay việc quản lý danh mục đầu tư. “Ông trùm” quản lý tài sản cũng nhấn mạnh, các nhà quản lý danh mục đầu tư của họ “vẫn tiếp tục đánh giá các rủi ro liên quan đến khí hậu”.
Theo Financial Times, kể từ khi đưa ra lập trường vào năm 2020 rằng “rủi ro khí hậu là rủi ro đầu tư”, BlackRock liên tục trở thành mục tiêu tấn công của các chính trị gia bảo thủ tại Mỹ.
Hồi tháng 12, Ủy ban Tư pháp Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã yêu cầu BlackRock cùng hàng chục nhà quản lý tài sản khác cung cấp thông tin liên quan đến vai trò của họ trong NZAMI. Trước đó, vào tháng 11, BlackRock cùng các đối thủ đã bị kiện bởi Texas và 10 tiểu bang khác do Đảng Cộng hòa lãnh đạo, với cáo buộc rằng các hoạt động của họ làm giảm sản lượng than và đẩy giá năng lượng tăng cao.
BlackRock phủ nhận các cáo buộc nói trên và cho biết vụ kiện “ngăn cản các khoản đầu tư vào những công ty mà người tiêu dùng tin tưởng”.
Reuters cho hay, đến nay, quyết định rút lui của BlackRock chưa gây hiệu ứng dây chuyền. Đại diện của hai đối thủ, bộ phận quản lý tài sản của State Street và JPMorgan, xác nhận với Reuters hôm thứ Năm rằng họ vẫn là thành viên của NZAMI. Trong khi đó, nhà quản lý tài sản thứ hai thế giới là Vanguard đã rút khỏi Sáng kiến này từ năm 2022.
NZAMI, với hơn 325 thành viên, hiện quản lý khối tài sản lên tới 57.500 tỷ USD, cam kết thúc đẩy mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Họ thực hiện mục tiêu này bằng cách sử dụng quyền biểu quyết tại các cuộc họp cổ đông và tác động tới các quyết định của doanh nghiệp.
Một phát ngôn viên của NZAMI gọi việc rút lui của bất kỳ nhà đầu tư nào là điều đáng thất vọng.
“Rủi ro khí hậu là rủi ro tài chính. NZAMI tồn tại để giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro này và hiện thực hóa lợi ích từ quá trình chuyển đổi kinh tế sang mức phát thải ròng bằng 0”, vị này trả lời Reuters qua email.
Bà Leslie Samuelrich, Chủ tịch Green Century Funds, từng giám sát việc doanh nghiệp của mình rút khỏi NZAMI vào năm 2023, dù công ty không đầu tư vào cổ phiếu dầu mỏ hay than đá. Bày tỏ sự thất vọng trước quyết định rời đi của các công ty lớn hơn, bà gọi đây là điều “gây nhụt chí” bởi nó có thể làm suy yếu cam kết giảm thiểu carbon của giới đầu tư.
“Đây là một tầm nhìn ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ nét và đòi hỏi những hành động trách nhiệm hơn từ các doanh nghiệp tại Mỹ”, bà Samuelrich chia sẻ.
Các nhóm chống biến đổi khí hậu như NZAMI, ra đời vào năm 2020 và được thúc đẩy bởi hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (Hiệp ước Khí hậu Glasgow), ban đầu không gặp phải tranh cãi khi các nhà lãnh đạo toàn cầu tìm kiếm nguồn vốn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.
Tuy nhiên, tại Mỹ, các quan chức Đảng Cộng hòa, đặc biệt từ các bang sản xuất năng lượng, đã lên tiếng chỉ trích những nỗ lực này là biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thức tỉnh” và cáo buộc chúng vi phạm luật chống độc quyền.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Jim Jordan, tuyên bố rằng việc BlackRock rút lui là “một chiến thắng lớn cho tự do và sự thịnh vượng của nước Mỹ”. Ông cũng kêu gọi tất cả các tổ chức tài chính tại Mỹ từ bỏ các “liên minh khí hậu” và các chính sách ESG (môi trường, xã hội và quản trị) mà ông cho là không phù hợp.
Trong khi đó, bà Tracey Lewis, Trưởng bộ phận Chính sách khí hậu tại Tổ chức vận động tiến bộ Public Citizen cho rằng, sự ra đi của BlackRock đã chứng minh rằng những gì họ nói vào năm 2020 và 2021 chỉ là "hành động biểu diễn và tiếp thị”.
“Giờ đây, sự thật đang lộ diện khi các công ty này cố gắng làm vừa lòng chính quyền mới", vị này nói.
Theo Financial Times, sự ủng hộ của BlackRock đối với các đề xuất cổ đông về các vấn đề môi trường và xã hội đã giảm từ 47% vào năm 2021 xuống chỉ còn 4% vào năm ngoái.
Thời báo tài chính hàng đầu nước Anh cho rằng, BlackRock đã cố gắng duy trì thái độ trung lập, một phần vì nhà quản lý tài sản này có một lượng lớn khách hàng ở châu Âu, nơi yêu cầu hành động nhanh hơn đối với biến đổi khí hậu.
Năm ngoái, công ty đã chọn hướng đi trung dung với một tổ chức khí hậu khác là Climate Action 100+, một nhóm quỹ đầu tư vận động các công ty cắt giảm khí thải nhà kính. BlackRock đã rút khỏi tổ chức này với tư cách là một thành viên toàn cầu, nhưng vẫn để các nhánh quốc tế nhỏ duy trì hoạt động tại đây.
Dù vậy, trong thư gửi khách hàng, BlackRock khẳng định các nỗ lực đầu tư bền vững của họ “được định hướng bởi nhu cầu của khách hàng và niềm tin mạnh mẽ rằng quá trình chuyển đổi năng lượng là một động lực quan trọng định hình nền kinh tế và thị trường toàn cầu”.