'Chính sách tiền tệ cạn kiệt dư địa khi lãi suất đang ở mức rất cao'

Đây là nhận định của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 với chủ đề “Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới”, tổ chức ngày 25/11 tại Đà Nẵng.
tien-si-can-van-luc-1669379925.jpeg
 

Trong năm tới sẽ khó khăn hơn

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho nhấn mạnh, tình hình thế giới và trong nước thay đổi rất nhanh, mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó dự báo. Đại dịch Covid-19 tuy đã được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, đa số các nước đã nới lỏng các quy định phòng, chống dịch song trên thực tế, dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, hệ lụy đối với các mặt đời sống xã hội còn nặng nề. Xung đột địa chính trị, đặc biệt là cuộc chiến giữa Nga - Ukraine đã và đang đã tạo ra cú sốc địa chính trị sâu rộng, đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực trầm trọng; lạm phát tăng cao, một số nước đã xuất hiện tình trạng ‘siêu lạm phát’, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nguy cơ suy thoái là hiện hữu trong bối cảnh lãi suất các nước tăng cao, đồng đô la Mỹ mạnh lên, thâm hụt lớn hơn, biến động vĩ mô mạnh hơn.

Trong bối cảnh đó, “Kinh tế Việt Nam tuy đã vượt qua giai đoạn khó khăn từ đại dịch và có sự phát triển ‘ngược dòng’ với các nước khi duy trì đà tăng trưởng tốt, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn. Tuy nhiên, là một nước có độ mở lớn nên động lực tăng trưởng cũng chịu áp lực lớn từ bên ngoài, có thể tác động xấu đến tăng trưởng, làm giảm nguồn thu và tăng chi ngân sách nhà nước", thứ trưởng Hưng nhấn mạnh.

Vì thế, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cần nhận diện thách thức, rủi ro bên ngoài kỹ hơn, trong đó có rủi ro về tài chính và tài khoá đang gia tăng rất nhanh. Thứ 2 là cần phải xem xét nghiêm túc hơn về rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực và gần đây Trung Quốc đã bổ sung vào an ninh chuỗi cung ứng.

“Chúng ta phải nhận diện chính xác hơn những rủi ro bên ngoài vì trong năm tới chúng ta sẽ khó khăn hơn và vì thế tăng trưởng sẽ chậm lại, lạm phát cao hơn”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Tiền tệ cạn kiệt địa dư, tính toán chính sách tài khoá

TS. Cấn Văn Lực đề xuất, cần đánh giá kỹ hơn những tác động từ bên ngoài lẫn nội tại bên trong cả tài chính và tài khóa để giảm thiểu tác động và tận dụng cơ hội mới. Đồng thời tính toán dư địa chính sách tài khóa năm tới có còn hay không.

“Hiện nay thực tế chính sách tiền tệ đang cạn kiệt dư địa khi lãi suất đang ở mức rất cao. Chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi, hỗ trợ tăng trưởng trong năm tới sẽ như thế nào”, TS. Cấn Văn Lực nêu vấn đề.

TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng cần đẩy nhanh chính sách phục hồi, giải ngân đầu tư công. Đa dạng hóa nguồn thu để có tài chính bền vững. Huy động và phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia phù hợp hơn cho các lĩnh vực….

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 với chủ đề “Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới”.

TS. Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho hay, huy động nguồn lực không phải là vấn đề mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Với bối cảnh mới, chúng ta phải đặt vấn đề huy động nguồn lực khác so với trước đây.

Theo ông Thăng, nguồn lực tài chính để huy động trong xã hội rất đa dạng. Không chỉ là tài chính công, cải cách thuế mà chúng ta còn những nguồn lực khác. Tính bền vững của nguồn lực cần có tầm nhìn dài hạn, đồng thời chính sách cũng cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Tính bền vững của nguồn lực cũng phụ thuộc vào tính bền vững nguồn lực của địa phương, phụ thuộc vào cải cách nền kinh tế…

Theo Đầu tư Tài chính