Chỉ khoảng 43% doanh nghiệp BĐS trụ nổi đến hết năm 2023

admin
Theo VNREA, nếu tình hình thị trường BĐS vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023 và chỉ khoảng 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm nay. Trong khi đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng lại chưa được giải ngân đồng nào.

Theo báo cáo về "Thực trạng sức khỏe thị trường BĐS Việt Nam" của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), từ đầu năm 2022, Chính phủ đã tạo ra những chiếc "phao" để cứu thị trường và doanh nghiệp nhưng vẫn chưa đến được với họ. Trong khi sức chống đỡ của các doanh nghiệp có giới hạn, nếu không "ngoi lên" kịp thời, chắc chắn sẽ bước sang giai đoạn "hôn mê" đồng loạt.

Số lượng doanh nghiệp BĐS giải thể trong 5 tháng đầu năm 2023 tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, số lượng thành lập mới giảm 61,4%. do thị trường đóng băng nên số lượng môi giới hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30 - 40% so với thời điểm cuối năm 2022. Trong quý I/2023, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó.

Thiếu nguồn cung phù hợp cộng với dòng tiền yếu và niềm tin sụt giảm khiến lượng giao dịch đi xuống "thê thảm". Cụ thể, tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường trong quý I chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022. Hơn 90% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu quý I sụt giảm so với cùng kỳ năm trước....

Thậm chí một số DN quy mô dưới 100 nhân viên có mức giảm doanh thu lên tới 70 - 80%. Khó khăn buộc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự. Tính chung cả nước có trên 95% doanh nghiệp BĐS phải thu hẹp quy mô lao động và có tới 50% số doang nghiệp phải giảm quy mô lao động hơn 20% so với quý II/2022.

"Nếu tình hình thị trường BĐS vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023 và chỉ khoảng 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm nay", VARS cảnh báo.

doanh-nghiep-bds-1686843224.jpegNhiều doanh nghiệp bất động sản sắp 'hôn mê'. Ảnh KTĐT.
 

Chia sẻ tại Tọa đàm "Gỡ nút thắt pháp lý cho bất động sản: Từ chính sách đến thực tiễn" diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, trong bối cảnh trên, doanh nghiệp đầu tư phát triển BĐS cần xem xét lại nguồn lực, bán một phần hoặc toàn bộ dự án để giảm gánh nặng chi phí, mang dòng tiền về tái thiết lập bộ máy, thực hiện các dự án khả thi, tránh “chết chìm trên đống tài sản”…

Đồng thời, chủ động xem xét lại nguồn lực, rà soát lại các dự án đang có, chỉ nên giữ lại các dự án tiềm năng mà doanh nghiệp có đủ năng lực triển khai và doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm các khách hàng, nhà đầu tư tiềm lực để hợp tác đầu tư hoặc mua lại dự án.

"Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt các doanh nghiệp đầu tư, phát triển BĐS; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS và môi giới BĐS. Thực tế này sẽ khiến nhiều người lao động mất việc làm, hệ lụy đến cuộc sống an sinh xã hội. Hiện nay, có không ít doanh nghiệp chỉ vì cố gắng cầm cự, trong khi khả năng không đủ, đã tự đẩy mình vào bước đường cùng với chồng chất lãi vay...", ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ.

Tại sao không dùng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để 'cứu' bất động sản?

Nhiều ý kiến cho rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hiện vẫn chưa giải ngân được đồng nào nên có thể nghiên cứu làm phương án giải cứu thị trường bất động sản. Trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn như hiện tại thì nguồn vốn được khơi thông sẽ như "cơn mưa rào".

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là gói cho vay hỗ trợ với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất trên thị trường.

"Việc triển khai gói 120.000 tỷ không phải để giải cứu thị trường bất động sản mà thực hiện mục tiêu có ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến 2030", Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói tại cuộc họp về tiến độ của gói này ngày 24/5.

Theo Phó Thủ tướng, hầu hết các vướng mắc về quy trình, thủ tục làm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cũng như điều kiện để được mua loại nhà ở này được sửa đổi, bổ sung tại Luật Nhà ở, Luật Đất đai đang được trình Quốc hội. Những vấn đề này sẽ được tháo gỡ toàn bộ sau khi các luật trên có hiệu lực.

doanh-nghiep-bds-1-1686843224.jpegPhó thủ tướng Trần Hồng Hà: Gói 120.000 tỷ đồng không phải để cứu bất động sản. Ảnh VNE.
 

Phân tích nguyên nhân gói tín dụng chưa thể giải ngân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng, nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng quá trình triển khai còn không ít vướng mắc về bố trí quỹ đất, thiếu quy hoạch phát triển nhà ở xã hội ở địa phương. Vì vậy, một số doanh nghiệp đang chờ đợi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực với quy trình, thủ tục thông thoáng hơn.

Bên cạnh đó, do các văn bản hướng dẫn mới được ban hành (trong tháng 4/2023) nên các địa phương vẫn đang lập danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và những đối tượng đủ điều kiện vay vốn.

Tại cuộc họp báo Bộ Xây dựng chiều 13/6, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã rà soát, liên hệ trực tiếp với các địa phương và các chủ đầu tư. Hiện có 100 dự án nhà ở xã hội đã cấp phép xây dựng. Các dự án còn lại hầu hết đang trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư. Đến nay, Bộ Xây dựng chưa nhận được phản ánh từ chủ đầu tư về khó khăn liên quan đến thủ tục, hồ sơ vay vốn liên quan gói 120.000 tỷ đồng .

“Quan điểm triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không chỉ để "giải cứu" thị trường bất động sản mà đáp ứng Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội ”, ông Hải nói.

Ông Hải cho biết, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, sửa chữa chung cư cũng như việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.

{