Tổng số vốn đầu tư mạo hiểm gấp 3 lần so với dự kiến
Bộ KH&ĐT cho biết, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước giai đoạn 2020-2022 đã lên tới 2,6 tỷ USD, hơn gấp 3 lần so với dự kiến ban đầu.
39 quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam cũng cam kết sẽ rót thêm 1,5 tỷ USD cho thị trường khởi nghiệp Việt Nam từ nay đến hết năm 2025. Theo các chuyên gia, đây là cơ hội để các startup Việt Nam vươn lên đón nhận sự dịch chuyển mạnh mẽ của dòng vốn toàn cầu.
Trong năm 2022, doanh nghiệp gọi vốn được khoảng gần 10 triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, với những sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ. Theo một thống kê của trang Global Market, giá trị thị trường của những sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ có thể lên đến 67 tỷ USD vào năm 2030, phần nào cho thấy tiềm năng của thị trường này.
Sản phẩm vòng hỗ trợ giấc ngủ vừa qua cũng nhận được vốn đầu tư từ Founders Fund, quỹ đầu tư có trụ sở ở Thung lũng Silicon. Từ tháng 1 năm sau, sản phẩm được thương mại hóa.
Bà Đoàn Kiều My, Giám đốc truyền thông, Công ty Earable Neuroscience, chia sẻ: "Lĩnh vực sleep tech, tức là những công nghệ giúp ngủ tốt hơn cũng là một lĩnh vực đang phát triển ngay sau đại dịch Covid-19, khi 60% người gặp vấn đề về giấc ngủ nên cái chúng tôi đang giải quyết bài toán đủ lớn cho khoảng 7,5 tỷ người. Hiện nay rất ít công ty có thể làm được điều này".
Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures cho hay, một trong những lý do khiến Đông Nam Á tiếp tục có tiềm năng dài hạn là sự kết hợp độc đáo giữa các thị trường. Cụ thể "Tam giác vàng" khởi nghiệp Việt Nam - Singapore - Indonesia đang trỗi dậy và trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ông Vinnie Lauria, Đồng sáng lập quỹ đầu tư Golden Gate Ventures cho biết: "Việt Nam hiện được đánh giá là viên ngọc quý mới nhất của Đông Nam Á. Đây là kết quả từ sức hấp dẫn của thị trường với các nhà đầu tư, cũng như sự hỗ trợ từ phía Chính phủ với hệ sinh thái khởi nghiệp. Golden Gate Ventures đang đầu tư rất mạnh mẽ vào Việt Nam, chúng tôi đã có 10 dự án ở đây và hy vọng sẽ tăng gấp đôi số lượng trong 1-2 năm tới".
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: "Việt Nam nằm trong tam giác cùng Indonesia, Singapore là trung tâm thu hút đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Chúng tôi rất kỳ vọng các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đề xuất các bộ ngành hoàn thiện thể chế, các quy định đầu tư để làm sao chuyển dịch vốn, cụ thể hóa thành các dự án, các khoản đầu tư tại Việt Nam nhanh nhất".
Theo báo cáo của chuyên trang thống kê Bain & Company và Monk's Hill Ventures, nền kinh tế khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng 4-5% mỗi năm trong 10 năm tới, trong đó Việt Nam là đất nước dẫn đầu với mức tăng trưởng dự kiến 5-7%/năm. Ước tính, tổng vốn đầu tư đổi mới sáng tạo vào Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt mốc 5 tỷ USD.
Việt Nam – Một điểm sáng thu hút đầu tư
Hiện Việt Nam được đánh giá là viên ngọc quý mới nhất của Đông Nam Á và sự trỗi dậy của đất nước nhỏ bé này là kết quả từ sức hấp dẫn của thị trường với các nhà đầu tư, cũng như sự hỗ trợ từ phía chính phủ với hệ sinh thái khởi nghiệp.
Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã huy động được mức kỷ lục 1,4 tỷ USD trên 165 giao dịch vào năm 2021, tăng 1,6 lần so với mức 894 triệu USD và 126 giao dịch vào năm 2019. Điều này cho thấy hoạt động giao dịch trên thị trường đã được cải thiện đáng kể, lấy lại động lực sau khi sụt giảm do đại dịch Covid-19. Đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục vào năm 2023 với mức GDP dự đoán là 6,7% vào năm 2023.
Một số yếu tố khiến Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư bao gồm sự ổn định về chính trị, lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, cơ sở hạ tầng phát triển, kỹ năng số hóa và khả năng đổi mới sáng tạo… Bên cạnh đó, Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao, các doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển này.
Việt Nam đang ở một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế. Trong bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cầu, vị thế của Việt Nam trong khu vực, những tác động của Covid-19 và xu hướng các quỹ đầu tư phát triển mạnh đã tạo ra bối cảnh thuận lợi để Việt Nam chiếm vị trí nổi bật.
Tại diễn đàn, số vốn cam kết đầu tư của 39 quỹ đầu tư trong 3 năm 2023-2035 là 1,5 tỷ USD và tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong giai đoạn này dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD.
Mới đây, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) Nguyễn Anh Dương cho biết, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam tương đối tích cực. Tính đến hết tháng 11/2022, song song với vốn đăng ký mới đang dần được cải thiện, vốn điều chỉnh tiếp tục tăng 18,9%, điểm đáng chú ý là vốn giải ngân tích cực, đạt 19,68 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo KTMT