Giữa làn sóng khất nợ cũng như trễ hẹn trả lãi trái phiếu, vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chi tiền mua lại trái phiếu trước hạn từ đầu năm đến nay.
Đơn cử, từ ngày 30/12/2022 - ngày 16/2, CTCP Bất động sản Đông Dương (chủ dự án La Vida Residences Vũng Tàu) đã chi 400 tỷ đồng mua lại trước hạn một phần 5 lô trái phiếu phát hành vào tháng 3/2020, giá trị còn lại sau khi mua là 800 tỷ đồng.
Theo Bất động sản Đông Dương, 5 lô trái phiếu được mua lại trước hạn đều có kỳ hạn 4 năm và đáo hạn vào tháng 3/2024, tổng giá trị phát hành là 1.200 tỷ đồng.
Ngày 17/2, CTCP Xây dựng Đầu tư và Phát triển Lĩnh Phong - C.O.N.I.C và CTCP Phú Tài cũng công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn, với tổng số tiền mua lại đạt gần 26 tỷ đồng.
Cụ thể, C.O.N.I.C đã chi 13,8 tỷ đồng mua lại 1 phần của lô trái phiếu phát hành trong tháng 7/2020, giá trị còn lại sau khi mua là hơn 262 tỷ đồng. Lô trái phiếu trên có kỳ hạn là 3 năm và đáo hạn vào tháng 10 năm nay.
Về phía Phú Tài, doanh nghiệp này đã chi 9,4 tỷ đồng mua lại trước hạn 1 phần của lô trái phiếu phát hành năm 2019, kỳ hạn 60 tháng, khối lượng còn lại sau khi mua là 65,4 tỷ đồng. Cùng với đó là chi 2,7 tỷ đồng mua lại lô trái phiếu phát hành năm 2020, kỳ hạn 48 tháng, khối lượng còn lại là 18,6 tỷ đồng. Phú Tài cho biết, hai lô trái phiếu trên đều được đáo hạn vào ngày 12/11/2024.
CTCP Long Thành Riverside cũng mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu mã LTRCH2226002, được phát hành vào tháng 5/2022 với khối lượng 55 tỷ đồng, dù thời gian đáo hạn là vào tháng 12/2026.
Ngày 15/2, CTCP Hưng Thịnh Land cũng công bố kết quả mua lại trước hạn một phần của lô trái phiếu phát hành vào tháng 8/2021, giá trị mua lại là 94,5 tỷ đồng, khối lượng còn lại sau khi mua là hơn 405,5 tỷ đồng. Lô trái phiếu trên sẽ đáo hạn vào tháng 8 năm nay.
CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An cũng chi gần 175 tỷ đồng mua lại trước hạn trái phiếu phát hành vào tháng 3/2021, giá trị còn lại sau khi mua là hơn 175 tỷ đồng.
Bất động sản Hà An là một công ty con của Đất Xanh (DXG). Doanh nghiệp này đang đầu tư hai dự án tại Đồng Nai, gồm dự án Gem Sky World có diện tích 92,2 ha, tổng vốn đầu tư 5.725 tỷ đồng, và một dự án khác với quy mô 152 ha, tổng mức đầu tư 12.500 tỷ đồng, được Đất Xanh duyệt chủ trương cho đầu tư vào tháng 3/2022.
Từ ngày 6/1 - ngày 7/2, CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam đã chi hơn 3,8 tỷ đồng mua lại trước hạn 1 phần của 7 lô trái phiếu phát hành trong năm 2020, khối lượng còn lại sau khi mua là gần 45,9 tỷ đồng. Tất cả lô trái phiếu trên đều có thời gian đáo hạn trong năm nay.
Một đơn vị chi số tiền lớn mua lại trước hạn trái phiếu là CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco, thành viên nhóm Geleximco) khi chi 1.499,6 tỷ đồng mua lại toàn bộ lô trái phiếu mã DRGCH2123005 trong tháng 1 vừa qua.
Lô trái phiếu trên có khối lượng 14.966 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, được phát hành ngày 31/12/2021, kỳ hạn 2 năm, đáo hạn vào 31/12/2023.
Ngoài các doanh nghiệp trên còn nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng mua lại trái phiếu trước hạn như CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (35 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Du lịch T&M Vân Phong (500 tỷ đồng), CTCP Xây dựng và Quản lý dự án Số 1 (300 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Bất động sản Sơn Kim (500 tỷ đồng), CTCP Đầu tư TM Bất động sản An Dương Thảo Điền (80 tỷ đồng),...
Nói thêm về tình hình mua lại trái trước hạn trong đầu năm nay, theo thống kê của FiinRatings, hoạt động mua lại diễn ra theo đúng xu hướng được quan sát trong những năm qua, với lượng mua lại tăng vọt vào cuối các bán niên và giảm mạnh vào đầu năm.
Tháng 1 ghi nhận quy mô trái phiếu mua lại trước đáo hạn đạt 8.900 tỷ đồng, tương đương 18,8% so với tháng trước và tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Xu hướng trên phụ thuộc nhiều vào hoạt động hỗ trợ thanh khoản từ hệ thống tổ chức tín dụng, với quy mô mua lại lẻ tẻ quanh năm và tăng vọt vào tháng 6 và tháng 12, đây là hai thời điểm chốt báo cáo bán niên và báo cáo tài chính năm của các doanh nghiệp.
Theo DNVN