Theo chia sẻ của Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) tại buổi Tập huấn “tăng cường năng lực báo chí khai thác đề tài buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật”, vấn nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam và thế giới ngày càng diễn biến phức tạp. Săn, bắt động vật hoang dã bất hợp pháp đã và đang là nguyên nhân chính khiến cho nhiều loài động vật biến mất.
Đáng chú ý, hiện nay, cùng với sự bùng nổ của mua bán trực tuyến sau đại dịch COVID-19, việc mua bán động vật hoang dã trái phép cũng diễn ra công khai trên mạng xã hội.
Qua ra soát soát trong 5 năm trở lại đây, ghi nhận 1.097 vụ rao bán các loài động vật với hơn 11.000 cá thể trên facebook và trang wedsite. Tuy người mua, người bán công khai nhưng lại ít bị kiểm tra, hoặc chưa có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp.
Cùng với đó, trên nền tảng Youtube cũng xuất hiện nhiều video với nội dung săn bắt động vật hoang dã. Đáng nói, những video này lại thu hút được nhiều sự quan tâm của cư dân mạng. Có những kênh Youtube thu hút đến hàng triệu lượt xem với nội dung săn bắt, bẫy thú và sinh tồn trong rừng.
Qua khảo sát với một từ khóa “săn bắt thú rừng”, đã tìm được hơn 50 kênh Youtube với hơn 6.000 video có nội dung về săn bắt thú rừng, cuộc sống hoang dã. Những video này được sản xuất với tần suất dày và không được kiểm soát.
Đại diện CCD đánh giá, đây là những nội dung mang trào lưu nguy hiểm, trái pháp luật, tác động trực tiếp đến tâm lý và hành động của người xem.
Ngoài ra, Giám đốc CCD cảnh báo, việc ăn uống, sử dụng động vật hoang dã làm ảnh hưởng đến sức khoẻ. Vì động vật hoang dã có rất nhiều ký sinh và mầm bệnh có thể lấy nhiễm. Cùng với đó động vật hoang dã còn là vật chủ trung gian truyền bệnh như cúm gà, SARS…
Theo ông Hà, việc ăn uống, sử dụng động vật hoang dã làm xấu xí hình ảnh người Việt với cộng đồng quốc tế. Tạo ra trào lưu thiếu văn hoá, không lành mạnh, ghét thiên nhiên và coi động vật hoang dã như các sinh vật đối nghịch.
Đại diện CCD còn cho biết, buôn bán động vật hoang dã về Việt Nam phố biến nhất là gian lận qua việc nhập các hàng hóa khác bằng đường biển, chủ yếu từ Châu Phi đưa về. Động vật hoang dã tiêu thụ ở thị trường trong nước chỉ một phần rất nhỏ (dùng làm thuốc chữa bệnh, đồ trang trí, làm thú cảnh), phần lớn sản phẩm nhập khẩu về Việt Nam rồi sau đó tái xuất bất hợp pháp.
Nói về cơ chế xử lý vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, Tiến sĩ Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan CITES Việt Nam cho biết, nhà nước đã Ban hành khung pháp lý đầy đủ, trong nhiều Luật như: Luật Hình sự sửa đổi năm 2017; Lâm nghiệp 2017, Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Thuỷ sản 2017. Trong Điều 244, Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi 2017.
Theo đó, các hành vi bị xử lý gồm: Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm Nhóm 1B hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật hoang dã thuộc nhóm 1B. Định khung hình phạt đã thay đổi theo hướng dựa trên số lượng mẫu vật, cá thể thay vì giá trị; hình phạt rất nặng, có thể bị xử phạt đến 15 năm tù, phạt đến 15 tỷ đồng.
Số liệu từ các cơ quan truy tố, xét xử cho thấy giai đoạn 2019 đến hết năm 2021 các cơ quan đã xét xử gần 400 vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã theo Điều 244 của Bộ Luật hình sự với trên 500 bị cáo bị truy tố.
Nói về công tác tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã, ông Tạ Đức Biên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Vườn quốc gia Cúc Phương, cho rằng: Cần có được sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật. Đồng thời, cần phản ánh trung thực các thông tin, hình ảnh đến cộng đồng. Đặc biệt, Nhà nước tạo cơ chế về tài chính trong việc phối hợp tuyên truyền.