Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV liên quan đến Nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, đánh giá một số tồn tại, bất cập trong việc thực hiện các chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó có quy định về việc dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội theo Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, nhằm khắc phục một số tồn tại, bất cập của quy định này.
Tuy nhiên, bên cạnh những tồn tại, vướng mắc trong quy định đã được sửa đổi, bổ sung trong Nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì để khắc phục triệt để những vướng mắc, bất cập nêu trên còn cần phải sửa đổi Luật Nhà ở (thuộc thẩm quyền của Quốc hội).
Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện nay dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Theo đó, tại Điều 80 dự thảo Luật quy định về đất để xây dựng nhà ở xã hội đã quy định theo hướng bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng ; bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cụ thể: Khi lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.
Như vậy, trong khi kỳ vọng về những thay đổi tại Nghị định 49/2021/NĐ-CP được xã hội đánh giá là có góp phần thể hạn chế được tình trạng chủ đầu tư "lách luật" để tránh né việc dành quỹ đất 20% tại dự án cho phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự cho thấy hiệu quả thì có thể tới đây, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khi đô thị sẽ không phải “đau đầu” về quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong dự án nữa.
Về kết quả phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thời gian qua, theo Bộ Xây dựng với tổng diện tích hơn 5,1 triệu mét vuông nhà ở xã hội (NƠXH) đã xây dựng mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ (12,5 triệu mét vuông nhà ở).
Xét về số lượng, tính từ năm 2009 đến nay, cả nước có thêm khoảng 5.000 dự án nhà ở thương mại, nhưng chỉ có 533 dự án dành quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH , chiếm khoảng 10%. Phần còn lại các dự án đều thực hiện phương án nộp tiền chuyển giao sử dụng quỹ đất 20% này để được "toàn quyền" khai thác thương mại trên dự án đã được cấp phép.
Năm 2022, cả nước có 9 dự án NƠXH được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Cũng trong năm 2022, cả nước có 02 dự án nhà ở công nhân được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; 01 dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 04 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Với số lượng nhà ở công nhân đã hoàn thành là 2,7 triệu mét vuông (đáp ứng khoảng hơn 340.000 người lao động), mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020 mới đạt khoảng 40% ), hầu hết số lượng công nhân còn lại hiện nay chưa có chỗ ở ổn định, đang phải ở tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn), thủ tục đầu tư là một trong các nguyên nhân cơ bản làm tăng chi phí dẫn đến giá NƠXH gia tăng.
“Thủ tục đầu tư là một trong các nguyên nhân cơ bản làm tăng chi phí dẫn đến giá nhà tăng cao, nhất là ở khu vực đô thị, khu công nghiệp dẫn đến nhà ở tại khu vực này vượt khỏi tầm với của đa số người dân” - đại biểu Nghĩa nói và đề nghị rà soát, đánh giá lại các thủ tục hành chính đã được cắt giảm, thủ tục được bổ sung trong dự thảo luật làm cơ sở cho đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6.