Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, theo Bộ Tài chính, giá bình quân các mặt hàng xăng và dầu madut thế giới trong tháng 9 (đến ngày 18/9/2022) giảm so với tháng 8/2022, giá các mặt hàng dầu khác cơ bản giữ ổn định. Trên cơ sở biến động của giá xăng, dầu thế giới, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá trong nước phù hợp với tình hình thị trường; theo đó, giá xăng, dầu sau 2 kỳ điều hành gần đây đều giảm.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, qua 24 kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước, giá mặt hàng xăng có 13 lần tăng, 10 lần giảm và 1 lần giữ ổn định; giá dầu diezen 0,05S có 15 lần tăng, 9 lần giảm; giá dầu hỏa có 14 lần tăng, 9 lần giảm, 1 lần giữ ổn định; giá dầu madut có 10 lần tăng, 9 lần giảm và 5 lần giữ ổn định.
Về phối hợp công tác điều hành giá xăng dầu: Bộ Tài chính thường xuyên theo dõi, qua nắm bắt tình hình giá xăng dầu thế giới, diễn biến giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước để kịp thời phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021.
Bộ Tài chính đã tham gia ý kiến về cơ chế chính sách về giá và thẩm định giá theo đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương về phương án giá một số sản phẩm, dịch vụ công nhà nước đặt hàng; thẩm định phương án giá mua, bán; chi phí nhập, chi xuất, bảo quản hàng hóa nông nghiệp thuộc danh mục hàng Dự trữ quốc gia và hàng hóa Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch. Theo dõi việc kê khai giá đối với giá than, khí hoá lỏng, đường, phân bón, dịch vụ cảng biển, sách giáo khoa, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc vắc xin dùng cho gia súc, gia cầm....
Bộ Tài chính theo dõi việc kê khai giá đối với một số mặt hàng.
Về thị trường chứng khoán, theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/09/2022, chỉ số VNIndex đạt 1.132,51 điểm, giảm 11,6%% so với cuối tháng trước và giảm 24,4% so với cuối năm 2021. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 250,25 điểm, giảm 14,3% so với cuối tháng trước và giảm 47,2% so với cuối năm 2021. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM 30/09/2022 đạt 5.932 nghìn tỷ đồng, giảm 23,6% so với cuối năm 2021, tương đương 70,6% GDP. Giá trị giao dịch bình quân trong tháng 9 đạt 15.639 tỷ đồng/phiên, giảm 16% so với tháng trước. Trong 9 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân đạt 22.316 tỷ đồng/phiên, giảm 16,1% so với bình quân năm trước.
Về thị trường trái phiếu, trong tháng 9, giá trị giao dịch bình quân đạt 6.987 tỷ đồng/phiên, tăng 13% so với tháng trước. Tính từ đầu năm tới nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 9.326 tỷ đồng/phiên, giảm 18,2% so với bình quân năm trước. Đến cuối tháng 8/2022, thị trường có 440 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.687 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với năm 2021 (tương đương 20,1% GDP).
Về công tác giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán: Trong tháng 09/2022, UBCKNN đã ban hành 43 quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt 1,938 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, UBCKNN đã ban hành 304 quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt là 23,859 tỷ đồng.
Về thị trường bảo hiểm, thị trường bảo hiểm duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực trong 09 tháng đầu năm 2022. Cụ thể: tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 176.574 tỷ đồng (tăng 15,49% so với cùng kỳ năm 2021), tổng tài sản ước đạt 790.627 tỷ đồng (tăng 18,95% so với cùng kỳ năm 2021), đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 653.443 tỷ đồng (tăng 19,23% so với cùng kỳ năm 2021).
Theo VietQ