Theo ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), cho biết Quyết định 24 quy định giá điện được xem xét điều chỉnh theo biến động thông số đầu vào ở thời điểm tính toán so với thông số sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.
Theo ông Hòa, thực tế việc điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua cho thấy để giảm thiểu ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và sản xuất của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân, mức điều chỉnh thực tế có thể thấp hơn so với phương án đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và so với kết quả rà soát, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
"Điều này dẫn đến chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi chi phí phát sinh, khi sẽ có nhiều khoản chi phí chưa được tính đầy đủ hoặc chưa được tính vào giá điện"- ông Trần Việt Hòa cho hay.
Hiện nay, chu kỳ điều chỉnh giá điện quy định tại Quyết định 24 là tối thiểu 6 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất. Trong quá trình xem xét đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN năm 2022 và 2023, Thường trực Chính phủ có ý kiến về việc nghiên cứu điều chỉnh giá điện theo lộ trình, có thể điều chỉnh giá điện nhiều lần trong năm để tránh gây tác động lớn đến kinh tế vĩ mô, đồng thời đảm bảo phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tới giá điện.
Nghị quyết số 937 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 cũng đã yêu cầu một trong những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong ngắn hạn giai đoạn trước 2025 là điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá và rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện.
Với việc giá điện cần điều chỉnh theo lộ trình để giảm thiểu tác động tới kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện, cần xem xét tới việc rút ngắn chu kỳ tối thiểu điều chỉnh giá điện để vừa đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN; bên cạnh đó cũng dần đưa giá điện thích ứng với sự biến động của các thông số đầu vào theo thị trường.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện xuống còn 3 tháng cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.
Ngoài ra, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực lưu ý dự thảo Quyết định đề xuất rút ngắn thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống còn 3 tháng không có nghĩa là cứ 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần. Bởi, việc điều chỉnh giá điện còn tùy thuộc vào đánh giá tác động tới kinh tế vĩ mô, kết quả tính toán cập nhật giá điện đã đủ mức để được xem xét điều chỉnh theo quy định hay chưa.
Liên quan đến giá điện, trước đó, Bộ Công Thương đã gửi Bộ Tư Pháp dự thảo lần 3 Quyết định của Thủ tướng quy định về cơ chế biểu giá bán lẻ điện. Trong đó, quy định về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt giữ nguyên đề xuất rút ngắn thang từ 6 bậc xuống còn 5 bậc. Cụ thể, 5 bậc thang tính giá điện mới dự kiến bao gồm: bậc 1 là 100 kWh đầu tiên; bậc 2 là 101-200 kWh tiếp theo; bậc 3 là 201-400 kWh tiếp theo; bậc 4 là 401-700 kWh tiếp theo và bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Về đề xuất trên, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhìn nhận việc thiết kế biểu giá điện 5 bậc sẽ tạo thuận lợi, đơn giản trong áp dụng; qua đó người dân sẽ dễ dàng theo dõi thông tin tiền điện dựa trên biểu giá hợp lý. Bên cạnh số bậc để phân hóa đối tượng sử dụng điện thì trong mỗi bậc, cần tính toán để có mức giá phù hợp.
Theo ông, Chính phủ đã quy định giá bán lẻ điện bình quân 1.920,37 đồng/KWh, áp dụng từ tháng 5/2023. Do đó, việc tính giá điện từng bậc cần tuân thủ nguyên tắc là tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính cho từng bậc phải cân bằng với tổng doanh thu của giá điện bình quân. Biểu giá điện khi cải tiến cần bảo đảm chính sách an sinh xã hội thông qua việc quy định mức giá thấp cho những bậc đầu trong biểu giá, để hỗ trợ nhóm khách hàng sử dụng điện thấp.
Còn theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, việc rút gọn bậc thang biểu giá điện từ 6 bậc xuống 5 bậc là hợp lý. Bởi phương án này giúp biểu giá điện đơn giản hơn, người dân dễ hiểu hơn với biểu giá hiện hành. Bậc thấp nhất cũng được điều chỉnh gần hơn với thực tế sử dụng điện hiện nay của nhiều hộ tiêu dùng điện thấp trong xã hội. Vì hiện giờ mức sử dụng 50 kWh trở xuống chắc chỉ còn rất ít, hầu như không còn. Mức cải tiến như vậy đã phù hợp và gần hơn so với nhu cầu sử dụng điện thực tế.