Giá trị trúng thầu 2 tháng đầu năm 2023 vượt năm 2022
Trong 2 tháng đầu năm 2023, Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase - BWE) đã liên tiếp trúng 8 gói thầu dịch vụ công ích trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Hầu hết các gói thầu đều do Công ty TNHH Việt Tín Huy là biên mời thầu. Giá trị các gói thầu trong 2 thánh đầu năm 2023 đã vượt giá trị của cả năm 2022. Tuy nhiên, các gói thầu này lại có tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, dưới 2%, có gói thầu chỉ tiết kiệm 0,1% so với giá dự toán.
Cụ thể, vào cuối tháng 1/2023, Biwase đã trúng Gói thầu Dịch vụ công ích (vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt) trên địa bàn TX. Tân Uyên năm 2023 với giá 68,7 tỷ đồng (đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,2%).
Tiếp đến, vì không phải cạnh tranh về giá, Biwase đã trúng Gói thầu Dịch vụ xúc, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Dĩ An năm 2023 với giá 144,5 tỷ đồng (tiết kiệm 0,13% sau đấu thầu) và Gói thầu Công tác vệ sinh đô thị, thuộc Dự án Công tác vệ sinh đô thị trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một năm 2023 với giá 190,9 tỷ đồng (tiết kiệm 1,7%).
Mới đây nhất, Biwase đã được lựa chọn thực hiện Gói thầu Thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt TP. Thuận An (Bình Dương) năm 2023. Theo đó, là nhà thầu duy nhất tham dự Gói thầu Thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt TP. Thuận An năm 2023. Biwase sẽ thực hiện gói thầu này với giá gần 140,3 tỷ đồng và đưa ra giá thấp hơn 0,1% so với giá dự toán. Thời gian thực hiện hợp đồng 365 ngày, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.
Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, Biwase được công bố trúng 8 gói thầu trong lĩnh vực công ích với tổng giá trúng thầu 590,8 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, giá trị trúng thầu trong lĩnh vực xử lý chất thải của Biwase đã vượt qua con số 436,44 tỷ đồng mà doanh nghiệp này đạt được trong cả năm 2022. Còn trong năm 2021, Biwase được ghi nhận trúng 17 gói thầu với tổng giá trị khoảng 122,7 tỷ đồng.
Theo dữ liệu Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, Biwase tham gia 75 gói thầu, trong đó trúng 60 gói (tỉ lệ trúng thầu 80%), trượt 5 gói, 6 chưa có kết quả, 4 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu đạt hơn 1.435 tỷ đồng. Các tỉnh đã tham gia thầu gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước...
“Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có khoảng 8 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, công nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có 4 doanh nghiệp lớn đủ năng lực cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt. Đặc thù của loại hình này cần doanh nghiệp đầu tư lớn về thiết bị, con người, trạm ép, bãi xử lý…
Mặt khác, biên lợi nhuận không đủ hấp dẫn nhà đầu tư khu vực tư nhân nên chỉ doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước với ưu đãi về vốn, đất đai mới có thể đảm nhận. Do đó, các doanh nghiệp khác không thể chen chân cạnh tranh trong các cuộc thầu về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”, Giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường chia sẻ.
Tăng trưởng qua từng năm
Theo số liệu thống kê, trong 3 năm trở lại đây Biwase luôn ghi nhận biên độ lợi nhuận cao. Cụ thể, doanh thu năm 2020 đạt, 3.025,3 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước đó, lợi nhuận sau thuế tăng 12,4% lên 535,4 tỷ đồng.
Đến năm 2021, doanh thu thuần của Biwase đạt 3.119 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 755 tỷ đồng, tăng vọt hơn 41% so với năm 2020.
Về kết quả kinh doanh năm 2022, Biwase tiếp tục ghi nhận doanh thu tăng 11,7%, lợi nhuận sau thuế đạt 746,4 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2021.
Tổng tài sản tính tới 31/12/2022 đạt 9.987 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 42% xuống 275,3 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 45,3% lên 872 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng nhẹ lên 713,8 tỷ đồng; chi phí xây dựng cơ bản dở dang ghi nhận gần 1.000 tỷ đồng; đầu tư vào công ty liên kết tăng gấp đôi lên 847,6 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng 6% lên 5.449 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn tăng 9,6% lên 1.326 tỷ đồng; nợ dài hạn tăng 13,5% lên 2.691,7 tỷ đồng. Tổng nợ vay chiếm hơn 40% nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu tăng 15,6% lên 4.538 tỷ đồng.
Tính tới thời điểm 31/12/2022, Biwase sở hữu 2 công ty con và 4 công ty liên kết. Trong đó, CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ (UPCoM: CTW) và CTCP Cấp nước Cần Thơ 2 là hai đơn vị mới nhất được BWE mua lại cổ phần hồi tháng 4/2022, qua đó ghi nhận là công ty liên kết. Nhân sự cấp cao của Biwase cũng đã tham gia vào việc điều hành tại hai công ty này.
Được biết, việc xâm nhập sâu vào lĩnh vực xử lý chất thải đã được lãnh đạo Biwase xác định khi tốc độ tăng trưởng mảng cung cấp nước dần chậm lại. Hội đồng quản trị Biwase đã thống nhất chủ trương đầu tư mua cổ phần một loạt công ty trong lĩnh vực nước và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Long An và Quảng Bình.
Theo đó, Biwase dự kiến sẽ mua số lượng cổ phần 5 công ty hoạt động trong lĩnh vực nước, tương ứng với tỷ lệ sở hữu từ 50% đến 100% số cổ phần có quyền biểu quyết của Công ty CP Đầu tư hạ tầng nước DNP Long An, Công ty CP Công trình đô thị Châu Thành, Công ty CP Công trình đô thị Cần Giuộc, Công ty CP Nước và Môi trường Bằng Tâm, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Quảng Bình.
Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương có tiền thân là Trung tâm Cấp thủy Bình Dương, được thành lập từ trước năm 1975. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt đô thị và công nghiệp. Ngoài ra, Biwase cũng tham gia cung cấp dịch vụ thu gom, thoát nước và xử lý rác thải; tái chế phế liệu. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2016.