Lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng được các ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục giữ bằng mức trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 6%/năm. Còn kỳ hạn trên 6 tháng, lãi suất huy động giảm đáng kể so với mức áp dụng hồi đầu tháng 3. Đơn cử kỳ hạn 12 tháng được niêm yết phổ biến là 8,4-8,8%/năm, giảm 0,1-0,2%/năm. Thậm chí, một số ngân hàng giảm tới 0,5%/năm.
Hiện tại, bốn ngân hàng có vốn nhà nước là VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank đồng loạt áp dụng mức lãi suất huy động được xem thấp nhất thị trường.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, Agribank áp dụng lãi suất 4,9%/năm cho kỳ hạn 1 và 2 tháng; 5,4%/năm cho kỳ hạn 3, 4 và 5 tháng; 5,8%/năm cho kỳ hạn từ 6 - 11 tháng; 7,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Tại VietinBank, tiền gửi tại quầy có lãi suất cao nhất là 7,2%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ 4,9 - 5,4%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,8%/năm.
BIDV huy động tiền gửi tại quầy với mức lãi suất 4,9%/năm cho kỳ hạn 1 và 2 tháng; 5,4%/năm cho kỳ hạn 3 và 5 tháng; 5,8%/năm kỳ hạn 6 tháng; 5,9%/năm kỳ hạn 9 tháng; 7,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Tuy nhiên, lãi suất trên kênh tiền gửi trực tuyến của BIDV là 6% cho kỳ hạn dưới 6 tháng; 7,2%/năm áp dụng kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng; 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 và 13 tháng, 7,4%/năm cho kỳ hạn từ 15 tháng trở lên. Ghi nhận vào đầu tháng 1/2023, lãi suất cao nhất trên kênh tiền gửi trực tuyến của BIDV lên đến 8,2%/năm.
Theo cập nhật mới nhất, trên biểu lãi suất huy động của Vietcombank, lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng ở mức 4,9%/năm; 3 tháng là 5,4%/năm; 6 tháng và 9 tháng là 5,8%/năm. Từ kỳ hạn 12 tháng trở lên, lãi suất ở mức 7,2%/năm. Với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 6%/năm, kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng là 6,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,4%/năm, 24 tháng 7,2%/năm.
Một số ngân hàng khác như VPBank công bố lãi suất tiền gửi online, lĩnh lãi cuối kỳ của kỳ hạn 6 tháng giảm còn 8,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 8,7%/năm. Mức giảm đều là 0,5%/năm. VietABank áp dụng biểu lãi suất huy động mới, với mức giảm 0,5% ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên với mức từ 8,5% - 8,8%/năm. Kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng đang có lãi suất cao nhất là 8,8%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cho biết từ ngày 15/3, lãi suất điều hành giảm từ 0,5% đến 1% đối với hàng loạt lãi suất điều hành. Đây là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới. Cụ thể, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.
Bên cạnh đó lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Các lĩnh vực ưu tiên gồm có xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vĩ mô với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm. Một số loại giữ nguyên gồm lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm, trần lãi suất huy động tối đa giữ nguyên 6%/năm. Trước đó, 23/9/2022, trần lãi suất huy động tăng từ 4%/năm lên 5%/năm. Đến hơn một tháng sau, ngày 25/10/2022, trần lãi suất huy động từ 5%/năm lên 6%/năm.
Qua đó các tổ chức tín dụng sẽ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, phục hồi nền kinh tế. Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các giải pháp đồng bộ để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro. Không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường; nghiêm cấm tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.
Theo TCDN