Bancassurance: Cần nhiều thời gian hơn để phục hồi sau khủng hoảng

Theo chuyên gia, một trong những định hướng sai lầm mà ngân hàng và công ty bảo hiểm theo đuổi trong thời gian qua là quá tập trung vào mục tiêu tăng trưởng mà bỏ quên mục tiêu phát triển bền vững.

Cần thời gian lâu hơn để phục hồi

Trải qua cuộc khủng hoảng từ năm 2023, bancassurance đến nay vẫn chưa có nhiều triển vọng quay lại đường đua khi mà các ngân hàng thương mại vẫn chưa kỳ vọng mảng kinh doanh này sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2024.

“Cần phải thừa nhận rằng những câu chuyện xảy ra trong năm 2023 vẫn đang có nhiều ảnh hưởng, cả tiêu cực và tích cực đến hoạt động của mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng ở Việt Nam. Khá nhiều ngân hàng giảm mạnh doanh thu từ bán bảo hiểm sau nhiều năm đạt tốc độ tăng trưởng cao, kết quả doanh thu này giảm thậm chí đến 60-70% ở một số nơi”, ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Việt Nam cho biết.

Theo ông, một trong những định hướng sai lầm mà ngân hàng và công ty bảo hiểm theo đuổi trong thời gian qua là quá tập trung vào mục tiêu tăng trưởng mà bỏ quên mục tiêu phát triển bền vững.

“Bản thân bảo hiểm nhân thọ là một kế hoạch tài chính dài hạn, do đó việc kinh doanh bảo hiểm nhân thọ cũng phải được tính toán trên nguyên tắc dài hạn này. Thời gian vừa qua, việc chọn mục tiêu ưu tiên theo đuổi là “tăng trưởng” đã dẫn tới cuộc đua doanh số, tìm mọi cách để bán được bảo hiểm nên, từ đó gây ra cuộc khủng hoảng của thị trường bảo hiểm năm 2023”, chuyên gia Nguyễn Đức Thắng cho biết.

bctc-bao-hiem-1681399603.jpeg
 

Kể từ giữa năm 2023 – giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng ngành bảo hiểm, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số quy định thắt chặt liên quan đến hoạt động bancassurance nhằm nâng cao chất lượng bán hàng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xem xét điều chỉnh các loại sản phẩm bancassurance được phép phân phối bởi các tổ chức tín dụng. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư có thể bị cấm phân phối tại ngân hàng do dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng với các sản phẩm huy động vốn, ủy thác đầu tư mà ngân hàng thương mại cung cấp cho khách hàng.

Công ty Chứng khoán Vietcap cho rằng quy định mới này sẽ tạo áp lực lên việc bán các sản phẩm bancassurance phức hợp như bảo hiểm liên kết đầu tư. Để các ngân hàng có thể thích ứng với các quy định mới, cũng như để niềm tin và nhu cầu của khách hàng phục hồi, Vietcap cho rằng bancassurance có thể cần nhiều thời gian hơn để phục hồi, kỳ vọng doanh số năm 2024 sẽ tăng nhẹ từ mức nền thấp của năm 2023.

Để việc kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng có thể được phục hồi, chuyên gia Nguyễn Đức Thắng cho rằng, các ngân hàng và công ty bảo hiểm đối tác cần xác định một lộ trình hợp tác với từng giai đoạn xây dựng (bộ máy, nhân sự, sản phẩm, quy trình, đào tạo, huấn luyện), vận hành (kiểm tra, điều chỉnh) và phát triển (tăng trưởng, giám sát, điều chỉnh) cụ thể, không nên chỉ đặt ra lộ trình tăng trưởng doanh số.

Theo ông, thời gian để phục hồi phụ thuộc vào việc các ngân hàng có thực sự chấp nhận thay đổi và xem mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là một kênh đầu tư dài hạn hay không.

Thiếu vắng các thương vụ bancassurance độc quyền

Trước khi khủng hoảng xảy ra với ngành bảo hiểm, giới phân tích vẫn kỳ vọng vào những thương vụ độc quyền bancassurance với giá trị “khủng” khi trên thị trường vẫn còn một số ngân hàng chưa có cam kết độc quyền phân phối bảo hiểm như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank).

Trong đó, điểm chung của BIDV và MB là đều sở hữu các công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ là Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (HoSE: BIC) và Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (HoSE: MIG), đồng thời tham gia góp vốn thành lập công ty liên doanh trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ với các “ông lớn” nước ngoài.

2 doanh nghiệp liên doanh đó là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ BIDV MetLife và Công Ty TNHH Bảo Hiểm Nhân Thọ MB Ageas. Như vậy, dù không có các hợp đồng độc quyền giá trị hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, BIDV và MB vẫn có thể “bỏ túi” đều đặn cả nghìn tỷ đồng mỗi năm lãi thuần từ hoạt động bảo hiểm nhờ các công ty con, công ty liên doanh này.

Với HDBank, trước năm 2023, ban lãnh đạo từng chia sẻ rằng ngân hàng còn nhiều dư địa để tăng trưởng doanh số, do đó chưa cần đến hỗ trợ độc quyền của các đối tác bảo hiểm. Tuy nhiên, ngân hàng cũng cho biết sẽ cân nhắc thời điểm cần thiết và quan trọng để mang lại giá trị tốt nhất khi quyết định chọn đối tác phân phối bảo hiểm độc quyền.

Sau khủng hoảng của ngành bảo hiểm, các chuyên gia cho rằng việc ký kết phân phối độc quyền giữa các ngân hàng và công ty bảo hiểm càng cần những sự thận trọng để tìm ra phương án tốt nhất và phù hợp nhất, thay vì kỳ vọng vào tăng trưởng nóng như trước đây để đạt lợi nhuận khủng.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, việc ngân hàng khai thác kênh kinh doanh bảo hiểm nhân thọ vẫn đem lại nhiều tiềm năng to lớn trong việc giúp ngân hàng giữ chân khách hàng lâu dài, do hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là hợp đồng dài hạn, nên ngân hàng sẽ có cơ hội gắn kết thường xuyên với khách hàng khi cùng công ty bảo hiểm nhân thọ chăm sóc khách hàng.