Cụ thể, ông Phạm Khánh Phương đã bán toàn bộ hơn 908 nghìn cổ phiếu SJC nắm giữ (tỷ lệ 13,1%) trong thời gian từ 7-25/8 và không còn là cổ đông tại SJC. Theo thị giá thỏa thuận trong thời gian trên, ông Phạm Khánh Phương ước tính thu về hơn 11 tỷ đồng từ việc thoái vốn.
Hồi tháng 6, cá nhân này từng bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính 245 triệu đồng và buộc phải bán cổ phiếu SJC để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai.
Trước đó, Công ty CP Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam do bà Vũ Thị Thúy (vợ ông Khánh Phương) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng thông báo đã thoái sạch vốn tại CTCP Sông Đà 1.01 (mã SJC).
Cụ thể, từ ngày 4-25/8, Sông Đà Nhật Nam đã bán 240.800 cổ phiếu SJC, qua đó không còn là cổ đông của Sông Đà 1.01. Động thái diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu SJC phục hồi tích cực từ đầu tháng 8 sau chuỗi giảm liên tiếp từ cuối tháng 6. Hiện SJC đang trong diện hạn chế, chỉ được giao dịch thứ 6 hàng tuần.
Trước khi Sông Đà Nhật Nam rút vốn khỏi Sông Đà 1.01, bà Vũ Thị Thúy cũng hoàn thành thoái toàn bộ 23,5% vốn không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp này từ ngày 31/3.
Trong một diễn biến liên quan, Sông Đà 1.01 vừa công bố các thông tin về thay đổi nhân sự, bổ nhiệm chức vụ liên quan đến bà Vũ Thị Thúy. Tuy nhiên, có công bố chậm tới 8 tháng so với thời hạn quy định. SJC mới công bố Nghị quyết hội đồng quản trị (HĐQT) về việc bổ nhiệm bà Thúy trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Công ty. Quyết định này đã được thông qua từ ngày 31/12/2022. Như vậy, SJC công bố thông tin trễ gần 8 tháng so với thời hạn quy định.
SJC cũng vừa công thông tin, HĐQT miễn nhiệm chức vụ Giám đốc đối với ông Tạ Văn Trung, đồng thời bổ nhiệm bà Vũ Thị Thúy thay thế vị trí này, có hiệu lực vào ngày 21/3/2023, cùng ngày HĐQT ra nghị quyết thông qua. Như vậy, SJC đã chậm công bố thông tin này hơn 5 tháng so với quy định.