Bán niên uớc lãi 221 tỷ đồng, HHV đang quản lý và thu phí dự án BOT nào?

Năm 2024, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã chứng khoán: HHV) đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 3.146 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 404 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 17% và 11% so với năm 2023. Trong đó, kết quả bán niên, HHV ước lãi 221 tỷ đồng, hoàn thành 55% kế hoạch lợi nhuận của năm 2024.

Theo số liệu trên báo cáo tài chính Quý I/2024, HHV ghi nhận doanh thu 690 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Mảng doanh thu thu phí BOT vẫn chiếm tỷ trọng lớn (69%), đạt 477 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.

HHV là doanh nghiệp đầu tư nhiều dự án BOT lớn, trải dài khắp cả nước gồm cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Mở rộng QL1 đoạn qua Khánh Hoà, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân, hầm Phú Gia - Phước Tượng…

Đại diện Công ty HHV cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, lưu lượng xe qua các trạm của HHV hơn 11,9 triệu lượt xe, tăng13% so với 6 tháng đầu năm 2023. Trung bình mỗi ngày ước tính các trạm thu phí BOT mang về cho công ty hơn 5,3 tỷ đồng.

Trong đó, dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm các hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân) có tổng mức đầu tư 21.612 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2024 doanh thu thu phí dự kiến đạt 651 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ.

Hầm Hải Vân đang được khai thác hiệu quảHầm Hải Vân đang được khai thác hiệu quả

Các công trình hầm đường bộ xuyên núi khi hoàn thành đưa vào vận hành giúp rút ngắn thời gian di chuyển, giảm thiểu tai nạn trên các cung đường đèo. Đặc biệt, từ khi có hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông đã tháo “nút thắt”, phá thế “ốc đảo” của tỉnh Phú Yên, mở ra cánh cửa thông thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà phát triển công nghiệp, du lịch khu vực duyên hải miền Trung, tăng cường liên kết vùng, kết nối Phú Yên với khu kinh tế Vân Phong và thành phố Nha Trang, các khu công nghiệp lân cận và các khu du lịch trong vùng.

Hầm Hải Vân là hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á, tổng chiều dài hầm và đường dẫn hơn 12,6km, nối tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng. Khi đưa vào khai thác, thời gian các phương tiện lưu thông qua hầm khoảng 15 phút thay vì đi đường đèo mất hơn 60 phút, tạo động lực phát triển công nghiệp, kinh tế - xã hội, du lịch cho tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung, đồng thời là cửa ngõ cho trục giao thông Đông - Tây từ Lào, Thái Lan vươn ra biển Đông, đến với thế giới.

Cuối tháng 4/2024, HHV tiếp nhận quản lý vận hành thêm tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng. Đồng thời HHV cũng tham gia đầu tư vào dự án này thông qua hình thức hợp tác kinh doanh với số tiền hơn 400 tỷ đồng. Tuyến cao tốc Cam Lâm Vĩnh Hảo đã chính thức đưa vào thu phí cuối tháng 5/2024, trung bình có hơn 9.000 lượt xe qua tuyến mỗi ngày, tốt hơn dự tính trong phương án tài chính ban đầu.

Trong trung và dài hạn, lưu lượng xe qua các trạm của HHV khai thác sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hoá ngày càng lớn. Đồng thời, phần lớn các dự án giao thông do Hạ tầng giao thông Đèo Cả triển khai đều đón đầu xu hướng phát triển hạ tầng trong tương lai, đấu nối trực tiếp với chuỗi cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Vì thế, mảng thu phí BOT của công ty dự báo ngày càng tăng trưởng mạnh.