Hôm nay, 8 tỷ người trên thế giới hân hoan chào đón năm 2023 với những hy vọng, thành tựu mới. Người dân nhiều thành phố trên thế giới hò reo chiêm ngưỡng màn pháo hoa rực rỡ.
Những năm vừa qua quả là đầy những sự kiện biến động khó lường. Chính vì thế, vào thời điểm chuyển giao năm mới, các tập tục truyền thống trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi chúng trở thành những trụ cột củng cố tinh thần cho chúng ta, nhắc nhở những điều đã qua và hướng tới tương lai.
Châu lục nào đón năm mới đầu tiên?
Vào khoảng 17 giờ 00 ngày 31/12 (giờ Việt Nam), khi phần lớn các quốc gia vẫn đang trải qua ngày cuối cùng của năm 2022 thì một số nơi đã đón năm mới 2023.
Châu Đại Dương là khu vực đón năm mới đầu tiên trên thế giới. Trong đó, khoảnh khắc giao thừa năm 2023 tới đầu tiên ở 3 địa điểm là Tonga, đảo Christmas của Cộng hòa Kiribati và Samoa.
Chỉ chậm hơn 3 đất nước trên 15 phút, Quần đảo Chatham của New Zealand cũng là nơi chào đón Tết Dương lịch sớm nhất. Tại thành phố Auckland của New Zealand, người dân đón thời khắc giao thừa xung quanh Sky Tower - toà tháp được sử dụng làm nơi trình diễn pháo hoa đón chào năm mới trong những năm qua.
Đúng 21h (tức 17h theo giờ Việt Nam), màn bắn pháo hoa đầu tiên đã diễn ra tại Cầu Cảng Sydney. Màn pháo hoa vào lúc 21h có chủ đề Calling Country ca ngợi những người bản địa. Pháo hoa được bắn trên nền âm nhạc của những người bản địa. Những câu chuyện hình ảnh được chiếu lên 2 trụ Cầu Cảng kể về câu chuyện của những người bản địa, là sự kết nối giữa đất, nước và trời và phản ánh quá khứ, cũng như sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Theo múi giờ Hà Nội, những quốc gia và khu vực đón năm mới sớm còn có New Zealand (18h00); Australia và Papua New Guinea (20h00); Nhật Bản, Hàn Quốc (22h00).
Nơi cuối cùng bước sang năm 2023 năm ở hai hòn đảo xa xôi của Mỹ là đảo Baker và đảo Howland, vào lúc 12 giờ ngày 1/1 theo giờ GMT (tương đương 19 giờ 00 ngày 1/1 ở Việt Nam).
Người dân nước Mỹ đổ về quảng trường Thời đại, thưởng thức không khí tiệc tùng trước thời khắc bước sang năm mới. Nghi lễ thả cầu đặc biệt càng trở nên thu hút trong năm nay khi nhiều người mong chờ giây phút "bình thường mới", sau hai năm các sự kiện bị thu hẹp vì đại dịch Covid-19.
Không khí năm mới ngập tràn Việt Nam
Vaccine Covid-19 đã cho phép cuộc sống gần như trở lại bình thường ở hầu hết các nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, biển người đổ về các trung tâm thành phố, xúc động đón khoảnh khắc giao thừa.
Tại Thủ đô Hà Nội, đón Tết Dương lịch 2023, thành phố không tổ chức bắn pháo hoa, thay vào đó là hàng loạt địa điểm tổ chức các chương trình nhạc hội Countdown – đếm ngược đến năm mới 2023.
Dù tết dương lịch năm nay, thành phố Hà Nội không tổ chức bắn pháo hoa, nhưng không vì vậy mà không khí vui tươi, náo nhiệt bị giảm bớt. Là điểm đến quen thuộc của người dân Thủ đô vào các dịp lễ, phố đi bộ quanh Hoàn Kiếm đã được trang hoàng và tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật để người dân tham quan, vui chơi mừng năm mới.
Tại TP.HCM, đồng hồ điểm 0h ngày 1/1/2023, bầu trời TP.HCM rực sáng với màn pháo hoa nghệ thuật tầm cao ở đầu đường hầm sông Sài Gòn (TP Thủ Đức, TP.HCM). Màn bắn pháo hoa diễn ra trong 15 phút. Ngoài màn bắn pháo hoa tầm cao tại hầm sông Sài Gòn, TP.HCM cũng bắn pháo hoa tầm thấp tại Công viên văn hoá Đầm Sen.
Tại Đà Nẵng, để chào đón năm mới, các trung tâm hành chính, các tòa nhà lớn nằm ở vị trí đẹp đã đồng loạt sáng đèn, chạy các bảng LED cờ Tổ quốc và lời chúc mừng năm mới. Năm nay Đà Nẵng tổ chức đón giao thừa ở hai điểm chính gồm chân cầu Rồng và khu vực công viên Biển Đông.
Sau nhiều ngày mưa dầm dề, tối 31-12 thời tiết tại Đà Nẵng khá đẹp, nhiệt độ trung bình 17 - 19 độ C, trời quang tạo điều kiện cho các sự kiện đón giao thừa.
Không khí tại những điểm đếm ngược chào năm mới lắng dần khi thời gian điểm đến những khoảnh khắc cuối cùng của năm 2022. Tại tất cả cả điểm tổ chức đếm ngược chào năm mới, hàng nghìn người đồng thanh đếm ngược đến năm 2023. Và khi màn đếm ngược lùi dần đến số 0, tất cả đều vỡ òa trong niềm vui đón năm mới.
Kinh tế Môi trường