Hơn 13 triệu khách hàng đã hoàn thành xác thực sinh trắc học
Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345), từ ngày 1/7, các giao dịch chuyển khoản trực tuyến 10 triệu đồng trở lên hoặc quá 20 triệu mỗi ngày bắt buộc áp dụng phương thức xác thực sinh trắc học.
Đây được coi là biện pháp kịp thời và phù hợp nhất hiện nay giúp người dân nâng cao nhận thức và kỹ năng tự bảo vệ tài sản của mình. Còn với tổ chức tín dụng (TCTD) và trung gian thanh toán, Quyết định 2345 thúc đẩy toàn bộ hệ thống ngân hàng phải nghiêm túc hơn nữa trong việc xây dựng “tường lửa” bảo mật kiên cố bằng dữ liệu sinh trắc học.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác xác thực sinh trắc.
Các ngân hàng cũng chuẩn bị hạ tầng công nghệ hiện đại, sẵn sàng kết nối hệ thống; đồng thời liên tục truyền thông, hướng dẫn kèm các minh họa cụ thể để khách hàng có thể tự thao tác và thực hiện cài đặt sinh trắc học để đáp ứng quy định mới về thanh toán, đảm bảo giao dịch được thông suốt.
Nhiều ngân hàng đã thông báo làm việc xuyên thứ Bảy, Chủ nhật để thu thập sinh trắc học tại quầy giao dịch, nỗ lực hỗ trợ khách hàng.
Nhiều người dân cho biết, việc cập nhật xác thực theo quy định mới được thao tác rất nhanh, chỉ cần làm online trong vòng 3-5 phút. Điều này giúp họ an tâm hơn khi thực hiện các giao dịch thanh toán số vì đã thêm một lớp bảo vệ kiên cố.
Chị Hồng Thanh (chủ 1 cửa hàng tạp hóa ở Hà Nội) cho biết, không gặp khó khăn hay vướng mắc gì khi thực hiện giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên trong những ngày qua. Việc thực hiện giao dịch diễn ra rất nhanh chóng, không có khác biệt nào so với trước khi thực hiện xác thực sinh trắc học. Sau khi thực hiện xác thực sinh trắc học, chị Thanh cảm thấy an tâm hơn khi bấm nút chuyển tiền vì thấy an toàn hơn.
Bên cạnh các khách hàng thuận lợi trong việc xác thực sinh trắc học và giao dịch ngân hàng thì cũng có không ít người gặp vấn đề không thực hiện sinh trắc học được, không thể quét NFC và nhiều tình huống tréo ngoe khác.
Trong ngày đầu tiên Quyết định 2345 có hiệu lực đã phát sinh một số tình huống ảnh hưởng đến các giao dịch chuyển tiền và gây tâm lý “khó chịu” nhất định cho khách hàng, như: nghẽn mạng, hệ thống không nhận diện được khách hàng, khách hàng chưa có căn cước công dân gắn chip; điện thoại không có chức năng NFC…
Trong những ngày qua, có nhiều người dân đến trực tiếp tại các quầy giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ, trong đó phần lớn là các khách hàng lớn tuổi. Các ngân hàng đã và đang bố trí nhân lực tại quầy để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng xác thực sinh trắc học.
Các ngân hàng khẳng định, giao dịch của khách hàng vẫn được thông suốt và mọi vướng mắc (nếu có, bao gồm khi quét NFC) đang được các nhà băng nỗ lực xử lý, đồng hành cùng khách hàng.
Theo thống kê của NHNN, trong ngày 1/7, tỉ lệ giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng chiếm 8,8% tổng giá trị giao dịch trong ngày.
Đến hết ngày 2/7, số lượng khách hàng đã hoàn thành xác thực sinh trắc học để sẵn sàng thực hiện giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng là hơn 13 triệu khách hàng, số lượng giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng ghi nhận trong ngày 2/7 là 8,24%.
Trong tháng 6 (trước khi Quyết định 2345 có hiệu lực), tỷ lệ bình quân số món chuyển trên 10 triệu đồng trong tháng chỉ đạt 8%.
Số liệu trên cho thấy, dù xảy ra một số “trục trặc” nhỏ nhưng các TCTD và trung gian thanh toán đã thực hiện tốt các giao dịch chuyển tiền của khách hàng, đáng chú ý là các giao dịch chuyển tiền đã diễn ra an toàn và thông suốt.
Xác thực sinh trắc học nhằm bảo vệ tài sản của khách hàng
Có ý kiến lo ngại việc cài đặt sinh trắc học ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng.
Về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định việc yêu cầu xác thực đối với giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên sẽ không làm gián đoạn trải nghiệm của khách hàng khi giao dịch.
Theo thống kê của NHNN, giao dịch 10 triệu đồng trở lên chỉ chiếm 11% giao dịch và nhiều trường hợp một người thực hiện nhiều giao dịch nên tổng số người giao dịch hạn mức này không đến 10%. Tổng số người có giao dịch trên 20 triệu trong 1 ngày chỉ 0,56%. Có khoảng 70% số lượng giao dịch thanh toán của khách hàng cá nhân tại Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng.
Đến hết năm 2023, Bộ Công an đã cấp hơn 84,7 triệu CCCD gắn chip và 70,2 triệu tài khoản VNeID, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng, giúp ngành ngân hàng triển khai định danh, xác minh chính xác khách hàng.
Xác thực sinh trắc học giao dịch chuyển tiền là giải pháp công nghệ, tiện ích tiện lợi và hiệu quả trong phòng chống loại tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng, người dân trên không gian mạng.
Thực hiện tốt quyết định này không chỉ là trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ, các TCTD, của các cơ quan quản lý mà còn là trách nhiệm của khách hàng và của mỗi người dân.
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN nhận định, để triển khai Quyết định 2345, đòi hỏi các TCTD, trung gian thanh toán cần rất nhiều nguồn lực, vật lực và nhân lực.
Với trách nhiệm cộng đồng, xã hội, các TCTD đang rất nỗ lực để giảm thiểu rủi ro gian lận, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán cho khách hàng.
Giới chuyên môn nhận định việc yêu cầu xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn tội phạm lừa đảo và bảo vệ tài sản của khách hàng. Quy định này không chỉ mang lại sự an tâm cho người dùng mà còn giúp các ngân hàng và tổ chức tài chính nâng cao uy tín, thu hút thêm khách hàng.
Đánh giá cao các quy định tại Quyết định 2345, đại diện A05 Bộ Công an lưu ý các đối tượng tội phạm đã có dấu hiệu thay đổi phương thức hoạt động để đối phó với quy định mới này. Vì thế, A05 khuyến cáo người dân: Nâng cao ý thức cảnh giác, kỹ năng để có thể tự bảo vệ bản thân. Thận trọng, tìm hiểu, kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch. Không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản E-Banking, tải các ứng dụng/link/email theo yêu cầu của người lạ; tuyệt đối không thực hiện các hành vi mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân; cài đặt bảo mật 2 lớp; hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của bản thân, gia đình, bạn bè… trên mạng.