1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ ra sao khi chủ đầu tư chưa được vay vốn ưu đãi?

Báo cáo Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, hiện vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dù hành lang pháp lý khá đầy đủ.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận định tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra. Đến nay mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu, trong đó nhà ở công nhân là 3,13 triệu m2 với 62.700 căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu m2 với 93.090 căn hộ.

Đề cập đến việc bố trí, giải ngân nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết giai đoạn 2016-2020, việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi được thực hiện theo quy định pháp luật về nhà ở. Theo đó, đối với nhà ở xã hội, khách hàng cá nhân và chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi lãi suất thông qua ngân hàng chính sách xã hội và hệ thống ngân hàng thương mại được nhà nước chỉ định.

null
 

 

Đối với nhà ở xã hội, khách hàng cá nhân và chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi lãi suất thông qua ngân hàng chính sách xã hội và hệ thống ngân hàng thương mại được nhà nước chỉ định. (Ảnh minh họa)

Chưa chủ đầu tư nào tiếp cận được vốn vay ưu đãi

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, 4 ngân hàng được Nhà nước chỉ định cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội không được bố trí nguồn vốn nên không có chủ đầu tư nào được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Báo cáo Quốc hội trước phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân gặp nhiều vướng mắc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội.

Ở giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phân bổ 3.163 tỷ đồng trong số 9.000 tỷ đồng (chiếm 35%) để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, Bộ trưởng cho hay.

Với các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (gồm Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) không được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn 2016-2020 không có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nào được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách, đến tháng 10/2022 trên cả nước đã giải ngân được 2.306 tỷ đồng cho 6.673 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Trong đó, sửa đổi các cơ chế, chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp, các quy định cụ thể: Đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án và các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước…

Đối với các Bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị tập trung, nghiêm túc thực hiện Thông báo kết luận số 242/TB-VPCP ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, cần thực hiện chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Cùng với đó là đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Tính đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000 m2. Cả nước hiện đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.718.000 m2. Trong đó, 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi nền kinh tế, trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn, với tổng diện tích khoảng 300.000 m2 sàn xây dựng; đồng thời đã khởi công 17 dự án với tổng số khoảng 31.230 căn, trong đó, nhà ở xã hội 14 dự án quy mô 27.870 căn, nhà ở công nhân 03 dự án quy mô 3.360 căn.

Tiền đâu để xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội?

Phản hồi vấn đề băn khoăn về nguồn ngân sách để hiện thực hóa đề án xây 1 triệu nhà ở xã hội, đặc biệt khi nhà ở xã hội hiện nay không hấp dẫn doanh nghiệp của Đại biểu Đỗ Trí Nghĩa (đoàn Phú Yên), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng nhu cầu nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp đô thị và công nhân khu công nghiệp còn rất lớn, việc triển khai thực hiện trên thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu này.

Bộ trưởng cho hay, Bộ Xây dựng đã xây dựng đề án này, gồm nhiều gói giải pháp từ xây dựng pháp luật, tổ chức triển khai thực hiện cho đến huy động nguồn lực. Cho đến nay, dưới sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, Bộ trưởng khẳng định đề án này có thể đảm bảo tính khả thi.

Về vấn đề thứ hai, Bộ trưởng cho biết để chuyển đổi từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại cần đáp ứng nhiều điều kiện như đảm bảo quy hoạch, đảm bảo phù hợp chương trình kế hoạch phát triển nhà ở và phù hợp với quy định pháp luật có liên quan.

Theo KTMT