Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, giúp cho việc bán hàng trở nên dễ dàng và năng động hơn, đưa hàng hóa đến với nhiều thị trường tiềm năng trong nước cũng như trên thế giới. Từ đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí và đạt doanh thu cao; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển trên thị trường một cách hiệu quả với nguồn lực của mình.
Theo đó, từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi (01/08/2020), những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo EVFTA đã góp phần đáng kể giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU đồng thời được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao của EU.
Việt Nam đang đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động xuất khẩu mở rộng thị trường sang EU, khi cả Việt Nam và EU đang đẩy mạnh phục hồi hậu đại dịch, tích cực nối lại các hoạt động kinh tế, giao thương. EVFTA cũng là ưu thế lớn của Việt Nam khi hiện mới chỉ có 4 quốc gia châu Á ký FTA với EU.
Tuy nhiên cho đến nay, số lượng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU gia tăng chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng. Dư địa gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU còn rất lớn, khi hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng nhu cầu nhập khẩu mỗi năm của thị trường 27 nước thành viên. Một số mặt hàng thế mạnh như rau quả chưa chiếm đến 4%, thủy sản 8%, xuất khẩu gạo vào EU vẫn rất thấp...
Lý giải về vấn đề trên, các chuyên gia cho rằng bên cạnh nguyên nhân như về nhận thức của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh, nguồn lực... cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ từ chính sách, xúc tiến thương mại nhưng theo hướng đổi mới, sát với thực tế yêu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp hơn.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp đang vướng ở chỗ nào thì hỗ trợ của nhà nước chúng ta nên hướng vào, tập trung vào những điểm đó. Đơn cử, thời gian qua chúng ta đã làm tốt công tác thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp, đối tác ở các thị trường.
Tuy nhiên hiện nay cần đổi mới xúc tiến thương mại cho cả một ngành hàng, cả hoạt động sản xuất của chúng ta. Để khi thị trường hay khách hàng nghĩ về sản phẩm của Việt Nam sẽ nghĩ đến thương hiệu và lợi thế, đặc điểm nổi bật của thương hiệu, sản phẩm Việt Nam đó.
Hay các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vượt qua những rào cản kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, những yêu cầu chất lượng như hỗ trợ cho doanh nghiệp kiểm tra, đảm bảo hàng hóa an toàn xuất khẩu sang thị trường không bị trả lại; hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh ở từng khía cạnh chất lượng sản phẩm, về mẫu mã, bao bì... hay những chương trình đào tạo cho doanh nghiệp nắm được quy trình EU đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng như thế nào, trên cơ sở doanh nghiệp tuân thủ theo để có thể tiếp cận được thị trường.
Từ góc độ Bộ Công Thương, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên mong muốn phối hợp với các doanh nghiệp đi đầu đã có thương hiệu tại EU để tuyên truyền những câu chuyện thành công giúp các doanh nghiệp tự tin hơn, mạnh dạn hơn khi tham gia xuất khẩu sang thị trường EU. Bên cạnh đó, hiện nay Bộ Công Thương đang triển khai phối hợp với các tỉnh, thành theo hướng tập trung vào các mặt hàng chiến lược, thế mạnh của từng tỉnh, thành để cùng xây dựng các chương trình tuyên truyền, hỗ trợ sát hơn, hiệu quả hơn.
Đồng thời, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, việc kết nối tất cả những chủ thể tham gia vào quá trình thực thi các FTA, từ cơ quan trung ương đến địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp tư vấn, các hiệp hội... thành một chuỗi và có sự hỗ trợ lẫn nhau sẽ thúc đẩy tận dụng tối đa Hiệp định EVFTA, tăng tối đa giá trị thương hiệu của Việt Nam, người Việt Nam.