Hoạt động sản xuất tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có giá trị, được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, không chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương mà còn được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản như xoài tròn Yên Châu, vải Lục Ngạn, nhãn Sông Mã… đã được chú trọng phát triển thương hiệu và xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, châu Âu…, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng Tiểu thủ công nghiệp, Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương cho biết, những năm qua, các chương trình hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo đã đem lại kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn. Không chỉ kết nối các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo mà thông qua tổ chức hội nghị, hội thảo còn hình thành, định hình vùng tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Bên cạnh đó, công tác khuyến công còn khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Đồng thời, Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Giai đoạn 2014-2020 vừa qua, chương trình khuyến công đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho 18.400 lao động; đã tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực quản lý cán bộ, quản lý, điều hành sản xuất cho 14.185 học viên; Hỗ trợ xây dựng 273 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ cho 998 cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cơ sở sản xuất đang sử dụng hoặc tạo ra sản phẩm mới.
Đặc biệt, chương trình đã tôn vinh 880 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và 312 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia có chất lượng, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, chương trình còn hỗ trợ 51 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; Hỗ trợ gần 5.700 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm trong nước và ngoài nước;
“Chương trình khuyến công giai đoạn 2014-2020 đã hỗ trợ thuê 409 gian hàng cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia 3 hội chợ được tổ chức thường niên tại nước ngoài (Đức, Hồng Kông, Trung Quốc). Đây là hoạt động xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng vai trò quan trọng trong quảng bá sản phẩm và thương hiệu của các cơ sở công nghiệp nông thôn Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu trong đó có các cơ sở công nghiệp nông thôn tại miền núi, vùng sâu, vùng xa” - bà Hương thông tin.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, muốn phát triển được thương mại nông thôn, miền núi, hải đảo thì phải phát triển sản xuất các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, hiệu quả. Thời gian tới, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin cho nông sản vùng đồng bào dẫn tộc và miền núi; xây dựng hệ thống phân phối bài bản, thường xuyên liên tục, có tính điều phối vùng miền để phát triển thương mại miền núi, hải đảo bền vững.
Bên cạnh kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng, cần tập trung vào điểm mới đó là kết nối cho doanh nghiệp phân phối, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nông sản có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ. Bước đầu hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững.