Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022. Theo đó, tính chung 10 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 387,7 nghìn tỷ đồng, bằng 67,1% kế hoạch năm và tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 64,7% và giảm 8,3%).
Riêng trong tháng 10, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 53,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 22,46 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước, song tăng 9,9 điểm phần trăm so với 9 tháng năm 2022.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng năm 2022 ước tính đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua.
Theo Tổng cục Thống kê, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng năm 2022 có 90 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 390,1 triệu USD, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm trước; có 19 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 61,9 triệu USD, giảm 85,5%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 452,1 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, trong 10 tháng năm 2022 có 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 5,34 tỷ USD, chiếm 23,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ hai với trên hơn 4,19 tỷ USD. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên hơn 3,9 tỷ USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 10 tháng năm 2022. TP.HCM dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,42 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương đứng thứ hai, Quảng Ninh xếp thứ ba.
Tính lũy kế đến ngày 20/10/2022, cả nước có 35.895 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên trên 435,2 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 269 tỷ USD, bằng 61,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Cũng trong tháng 10, cả nước có hơn 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 13,6% so với tháng trước và tăng 58,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 3,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,7% so với tháng trước và giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2021; có 4.058 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 38,3% và tăng 16,2%; có 4.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,3% và tăng 37,8%; có 1.602 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,7% và tăng 98,8%.
Tính chung 10 tháng năm 2022, cả nước có 178,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 122,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,8%; bình quân một tháng có 12,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trước đó, tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, Việt Nam ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả, hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách tiền tệ - tài khóa; triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, đó là giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Thủ tướng kỳ vọng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cường sự liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Theo KTMT