Vì sao hàng loạt ngân hàng "ồ ạt" tăng lãi suất tiền gửi?

Lãi suất ngân hàng trong vòng 1 tháng qua đã liên tục tăng mạnh, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành lần thứ hai vào ngày 25/10.

Nếu như cùng thời điểm này năm trước, số ngân hàng huy động lãi suất tiết kiệm cao nhất trên 7%/năm chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì nay, đã có ngân hàng huy động trên 10%/năm và một nửa số ngân hàng trong hệ thống niêm yết lãi suất cao nhất trên 8%/năm.

Lãi suất "ồ ạt" tăng nóng

Theo biểu lãi suất huy động mới nhất đăng trên website các ngân hàng thương mại, lãi suất ngân hàng cao nhất hôm nay là 10,5%/năm. Đây là lãi suất áp dụng đối với sản phẩm tiền gửi An Khang, kỳ hạn 12 tháng, mức gửi từ 500 tỷ đồng trở lên của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).

Tiếp sau đó là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với lãi suất 10,02%/năm dành cho tháng đầu tiên khi khách hàng gửi tiền kỳ hạn 36 tháng sản phẩm Tiết kiệm gửi góp Prime Savings.

Vẫn nằm trong top đầu các ngân hàng có mức lãi suất huy động hấp dẫn nhất hệ thống, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) niêm yết lãi suất cao nhất lên tới 9,3%/năm dành cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.

null
 

 

Ngoài 3 ngân hàng trên còn có tới 15 trong số hơn 30 ngân hàng được khảo sát đang niêm yết lãi suất cao nhất từ 8%/năm trở lên, thậm chí tiến sát mốc 9%/năm. Trong đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) huy động cao nhất là 8,9%/năm; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cùng niêm yết mức cao nhất 8,8%/năm.

 

Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) lần lượt áp dụng lãi suất cao nhất 8,75%/năm và 8,7%/năm…

Trong khi đó, tại 4 ngân hàng lớn “Big 4“, lãi suất cao nhất dù đã tăng mạnh 1%/năm so với cách đây 1 tháng nhưng vẫn có sự cách biệt đáng kể so với các ngân hàng thương mại khác. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ngày 27/10 đồng loạt tăng lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên từ mức 6,4%/năm lên thành 7,4%/năm. Chỉ sau 1 ngày, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng có động thái tương tự. Tính đến thời điểm này, 7,4%/năm cũng là mức lãi suất huy động cao nhất tại “Big 4“.

Tính trung bình trong vòng 1 tháng qua, lãi suất huy động nhiều kỳ hạn tại các ngân hàng đã tăng từ 1-2%/năm so với trước đó, dần tiến về mức lãi suất huy động hồi trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng nhiều ngân hàng đã tăng lên mức kịch trần 6%/năm như tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)…

Lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng cao nhất đang được niêm yết tại NCB, VPBank, Techcombank, VietCapitalBank… dao động từ 8-8,75%/năm.

Lãi suất huy động cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng hiện nay thuộc về SCB với 8,8%/năm; NCB 8,75%/năm; VietCapitalBank 8,6%/năm; VPBank, Techcombank, NamABank cùng mức 8,5%/năm; Saigonbank 8,3%/năm…

Tăng lãi suất để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng

Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ thường Kỳ tháng 10, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà thông tin, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%, đều cao hơn năm so với 2020 và 2021. Ông Hà cho biết thực tế tăng trưởng tín dụng đã tăng ngay từ những tháng đầu năm và đây là điều rất khác so với những năm trước.

"Đến ngày 25/10, tăng trưởng tín dụng ở mức 11,5% so với cuối năm ngoái, và tăng đến 17% so với cùng thời điểm năm ngoái", Phó Thống đốc nói.

Theo ông Hà, đà tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm có sự đóng góp tích cực từ việc tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm.

Trong chiều ngược lại, Phó Thống đốc cho biết năm nay việc huy động vốn tăng trưởng chậm. Hiện tốc độ tăng trưởng huy động vốn chỉ ở mức 4,6% so với đầu năm - chỉ bằng gần 1/3 so với tăng trưởng tín dụng.

lai-suat-tien-gui-1-1667306386.jpeg
 

Phó thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà.

"Điều này đặt ra thách thức đối với hệ số an toàn vốn của hệ thống ngân hàng cũng như gây quan ngại về tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng", ông Hà nhấn mạnh.

Với áp lực nguồn vốn để đảm bảo khả năng thanh khoản cho các tổ chức tín dụng và nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành trong tháng 9 và 10 vừa qua. Điều này đảm bảo các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để đảm bảo an toàn thanh khoản cũng như cung cấp nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Phó Thống đốc nhấn mạnh điều này phù hợp với xu hướng chung của nền kinh tế thế giới khi lạm phát tăng cao, kéo dài cũng như chưa có dấu hiệu dừng lại. Như Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng nhanh, tăng mạnh lãi suất làm khiến đồng nội tệ các nước mất giá theo.

Phản ứng với động thái của FED, các nước cũng đã tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát cũng như chống lại sự mất giá của đồng nội tệ so với USD.

Liên quan đến quan ngại về khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp, Phó Thống đốc cho biết trong quá trình điều hành Ngân hàng Nhà nước luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho những lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh.

Từ đầu năm nay, các lĩnh vực ưu tiên đều có mức tăng tín dụng tốt, góp phần tăng trường kinh tế. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng có trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh giúp các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể vay vốn với lãi suất thấp hơn thị trường.