Vụ việc bắt đầu vào năm 2019, khi một liên minh do Spotify - nền tảng âm nhạc trực tuyến nổi tiếng toàn cầu - dẫn đầu đã đệ trình khiếu nại lên Ủy ban châu Âu (EU) yêu cầu trừng phạt Apple về việc nhà sáng lập của điện thoại thông minh iPhone đã có hành động bất hợp pháp và phản cạnh tranh khi thông qua các quy định của AppStore, ngăn cản các ứng dụng phát nhạc trực tuyến thông báo cho người dùng về các lựa chọn mua hàng khác.
Đáp lại, Apple cho rằng Spotify cũng phát hành ứng dụng miễn phí nhưng thực sự không hoàn toàn miễn phí, trong khi đó lại muốn có được tất cả lợi ích của một phần mềm miễn phí.
Vào năm 2021, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một bản báo cáo sơ bộ về khiếu nại của Spotify. Theo đó, EC kết luận rằng Apple đã có hành vi bóp méo sự cạnh tranh trên thị trường phát nhạc trực tuyến.
Apple đối mặt với khoản phạt hơn 530 triệu USD từ EU. Ảnh minh họa
Sau công bố này, Spotify đã tiếp tục kêu gọi EC cần mạnh tay hơn nữa với Apple. Nhà phát hành nhạc số nổi tiếng toàn cầu đã đăng tải một bức thư ngỏ gửi đến Chủ tịch Hiệp hội Chống độc quyền EU Margrethe Vestager.
Bức thư, được ký bởi giám đốc điều hành của 8 công ty, gồm Spotify, Basecamp, Deezer, Proton, Schibsted, EPC, France Digitale và News Media Europe, yêu cầu EU phải nhanh chóng thi hành Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số để chống lại hành vi phản cạnh tranh của Apple.
Liên minh trên khẳng định Apple đã chiếm đoạt những thành công không xứng đáng và gây ra tác động trực tiếp đến các nhà phát triển, đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến người dùng.
Đạo luật Thị trường Kỹ thuật Số (DMA) mới, được thông qua vào năm 2022, nhằm mục đích thúc đẩy cạnh tranh dịch vụ trực tuyến. Một số thay đổi được đề xuất rõ ràng nhất đối với người dùng EU liên quan đến ứng dụng, chẳng hạn như cách bạn có thể cài đặt chúng và những gì có thể được cài đặt sẵn trên thiết bị.
Một thay đổi sẽ yêu cầu các hệ điều hành thống trị phải cho phép sự tồn tại các “app store” (cửa hàng ứng dụng) nhỏ hơn của bên thứ ba, cũng như khả năng cài đặt ứng dụng từ bất kỳ đâu bên ngoài “app store” chính thức.
Mặc dù Google đã cho phép cả hai trên nền tảng Android, Apple vẫn duy trì quyền kiểm soát chặt chẽ đối với các ứng dụng iPhone. Apple và các công ty khác trong ngành đã lập luận rằng việc mở hệ điều hành theo cách này có thể khiến người dùng dễ tải xuống nhiều ứng dụng độc hại hơn.
Theo quy định mới, các cửa hàng ứng dụng thống trị sẽ không thể xóa danh sách các ứng dụng từ chối sử dụng hệ thống thanh toán độc quyền của “người gác cổng” - một vấn đề được nêu bật gần đây nhất trong vụ kiện chống độc quyền của Apple với Epic Games.
Phần lớn doanh thu từ cửa hàng ứng dụng của Apple đến từ khoản cắt giảm 30% mà họ nhận được thông qua các kênh thanh toán từ việc bán hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số trong ứng dụng, vì vậy các điều khoản này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình kinh doanh của công ty.
Trong tháng này, Tòa án Tối cao Mỹ đã từ chối xem xét đơn kháng cáo của Apple và Epic trong vụ việc, để lại phán quyết của tòa án cấp dưới kết luận rằng Apple độc quyền phân phối ứng dụng một cách bất hợp pháp. Quyết định không xét xử vụ việc cũng giữ nguyên hiệu lực lệnh cấm yêu cầu Apple sửa đổi một số điều khoản dành cho nhà phát triển. Công ty chưa chia sẻ quá nhiều chi tiết khác về kế hoạch tuân thủ luật pháp nhưng thời hạn đầu tháng Ba đang đến gần.
Theo thông tin từ Financial Times (Thời báo tài chính là một tờ báo về kinh doanh quốc tế uy tín tại Anh) mức phạt dự kiến khoảng 500 triệu euro (539 triệu USD) và sẽ được công bố vào đầu tháng Ba.