Vai trò nòng cốt trong thời đại mới
Trong hơn 3 thập kỷ qua, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã phát triển bùng nổ, tinh thần khởi nghiệp của dân tộc được khơi dậy. Thực tế chứng minh rằng, doanh nhân Việt Nam đang ngày càng hội nhập mạnh mẽ và sâu sắc với thế giới, nhiều doanh nhân Việt Nam đã thực sự đóng vai trò to lớn trong việc kích thích nền sản xuất của đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Doanh nhân là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và “Công - Thương cứu quốc đoàn” là một thành viên của Mặt trận Việt Minh. Trong suốt tiến trình cách mạng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, phát triển, đã và đang trở thành lực lượng xung kích trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Doanh nhân Việt với tinh thần dân tộc đã nhanh chóng hòa vào phong trào vận động giải phóng dân tộc, vươn lên khẳng định vị thế của mình, góp phần không nhỏ vào công cuộc cách mạng của cả nước, góp phần cùng chính quyền nhân dân đưa đất nước vượt qua tình thế hiểm nghèo.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, nền kinh tế Việt Nam đang từng bước đi vào quỹ đạo của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa với tinh thần hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó vai trò của các doanh nhân, doanh nghiệp không ngừng được khẳng định, nâng cao, để rồi sự ra đời Luật Doanh nghiệp, một mặt đáp ứng nhu cầu phát triển, mặt khác là một sự tôn vinh doanh nhân Việt Nam.
Năm 2011, lần đầu tiên trong văn kiện của Đảng (Đại hội XI), thuật ngữ “đội ngũ doanh nhân” được sử dụng với ý nghĩa chính thức thừa nhận lực lượng này là một trong bốn lực lượng xã hội cơ bản trong cơ cấu giai tầng xã hội Việt Nam: Giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân.
Công cuộc đổi mới ở nước ta đang bước vào giai đoạn mới trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mang lại nhiều cơ hội, thuận lợi, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho phát triển nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Đội ngũ doanh nhân là đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, thực hiện chủ trương xây dựng, hoàn thiện và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh trong thời gian vừa qua, và phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Trên thực tế, đội ngũ doanh nhân của Việt Nam đã đóng vai trò rất quan trọng không chỉ vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, mà còn đóng góp vào việc tạo ra công ăn việc làm, cũng như an sinh xã hội, phục vụ cho xóa đói, giảm nghèo và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Xây dựng đội ngũ Doanh nhân lớn mạnh
Phát triển đội ngũ Doanh nhân là bước đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”.
Năm 2011, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 9-NQ/TW ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 9-NQ/TW, đội ngũ Doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.
Theo kết quả khảo sát trong năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình phát triển đội ngũ doanh nhân: Trình độ học vấn của doanh nhân khá cao, khi có đến 79,9% doanh nhân có trình độ đại học, 12% doanh nhân có trình độ thạc sĩ/tiến sĩ và chỉ có khoảng 8% doanh nhân có trình độ dưới đại học.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, Nghị quyết số 09-NQ/TW nêu rõ nhiệm vụ xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và bản thân doanh nghiệp, doanh nhân.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để quản lý doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, xây dựng doanh nghiệp có thương hiệu tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
Từ khi Nghị quyết được ban hành đã có rất nhiều văn bản, chính sách pháp luật đã được thể chế hoá chủ trương đường lối của Đảng. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận Doanh nhân Việt Nam. Đây là bước ngoặt lịch sử của đất nước ta, trong đó nêu rõ tại Điều 51: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân tổ chức khác đầu tư, sản xuất kinh doanh”. Như vậy, vai trò, vị trí và chủ trương, quan điểm về doanh nhân đã được thể chế hoá và đưa vào Hiến pháp năm 2013.
Những năm qua, lực lượng doanh nghiệp của Việt Nam phát triển nhanh với tốc độ trung bình đạt 7,4%/năm. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng của nền kinh tế, đóng góp chính cho ngân sách nhà nước và trở thành lực lượng đầu tàu lôi kéo đoàn tàu doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp là sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân. Việt Nam đang có khoảng 7 triệu doanh nhân, tăng 250% so với năm 2013, trong đó có nhiều doanh nhân lớn gắn liền với những thương hiệu và giá trị doanh nghiệp được định vị trên thị trường quốc tế.
Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam đã có gần 860.000 doanh nghiệp hoạt động, hơn 25 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Ước tính Việt Nam có từ 7-10 triệu doanh nhân. Đây là lực lượng chủ lực để thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển kinh tế. Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia, một số thương hiệu gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới.
Trao đổi về vấn đề này, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Đại học Fulbright Việt Nam cũng nhìn nhận, qua đại dịch Covid-19, bài học lớn nhất là giữ sức sống và niềm tin của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam chủ động, luôn luôn tự chống đỡ, chèo lái để vượt qua khó khăn, không chờ mong một sự cứu giúp to lớn từ bên ngoài, đặc biệt từ phía Chính phủ.
Đội ngũ Doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp dần được nâng lên. Đây là niềm tự hào của đất nước ta về đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đổi mới và phát triển.
Lợi thế cạnh tranh trong kỷ nguyên công nghệ số
Tại tọa đàm “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và cách mạng công nghệ 4.0” mới diễn ra, TS Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đánh giá, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đang chịu tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0.
Theo đó, sự phát triển của công nghệ hoàn toàn mới với các công nghệ kỹ thuật số, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… đã làm thay đổi doanh nghiệp theo hướng chuyển đổi số toàn diện, sử dụng hàm lượng công nghệ và chất xám nhiều hơn để cải tiến phương thức kinh doanh, tối ưu hoá quy trình sản xuất và phong cách làm việc mang đậm tính toàn cầu.
Cũng theo chuyên gia, sự bùng nổ của kỷ nguyên số trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tạo những cơ hội đầu tư hấp dẫn, “thổi bùng” tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần hình thành thế hệ doanh nhân mới đam mê kinh doanh và trẻ tuổi. Với 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, Việt Nam đang trở thành quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp cao nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ Doanh nhân còn tồn tại những mặt hạn chế. Cụ thể, năng lực của đội ngũ doanh nhân là vẫn giữ thói quen quản lý cũ, chưa được đào tạo bài bản, kỹ năng quản trị yếu, nhất là kỹ năng quản trị theo hướng hiện đại, sự am hiểu về pháp luật và khả năng hội nhập quốc tế hạn chế.
“Cơ chế chính sách của Nhà nước về hỗ trợ và khuyến khích phát triển cho doanh nghiệp, doanh nhân đã được ban hành xong còn chưa sát với điều kiện thực tế, chưa khuyến khích được doanh nghiệp, doanh nhân tham gia; chưa xây dựng được văn hóa doanh nhân nên còn tình trạng doanh nghiệp chưa tuân thủ pháp luật, làm ăn phi pháp, tính liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp chưa cao, ý thức xã hội còn hạn chế", TS Đỗ Diệu Hương, Viện Kinh tế Việt Nam chỉ rõ.
Trên cơ sở đó, để phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời đại mới, các chuyên gia cho rằng cần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân; xây dựng văn hóa Doanh nhân Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; phát huy vai trò các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; thực hiện tốt chính sách tôn vinh những doanh nhân giỏi, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy tính tích cực, chủ động, tự phát triển của doanh nhân..
Theo TS Đỗ Diệu Hương, cần đề cao đến văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong đó, cần giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích để bảo đảm tính hiệu quả, bền vững của liên kết “5 nhà” trong quá trình phát triển.
“Khuyến khích, hỗ trợ doanh nhân đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng “công nghệ xanh”, đổi mới sản phẩm dịch vụ và tăng cường liên kết doanh nghiệp, chú trọng xây dựng, tôn vinh, quảng bá, khẳng định giá trị hàng hóa và thương hiệu Việt Nam", TS Đỗ Diệu Hương chia sẻ.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia đến từ Viện Kinh tế Việt Nam, những công nghệ mới ra đời đang giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua nâng cao năng suất và hiệu quả, giảm chi phí vận hành, thay đổi mô hình kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao trải nghiệm của khách hàng, từ đó có thể đưa sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.
Việt Nam có 7 tỷ phú trong danh sách thế giới
2022 là năm Việt Nam có nhiều đại diện nhất trong danh sách những người sở hữu tài sản tỷ USD của Forbes. Theo đó, 7 tỷ phú bao gồm là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn.
Theo KTMT