Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2022 diễn ra ngày 26/11, TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói về bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam cùng những dự báo năm 2023.
Ông nhấn mạnh kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang ở trong thời điểm khó khăn và càng ngày càng khó khăn. Bối cảnh hiện nay bất ổn, bất định và bất trắc. Ông cũng lưu ý thời đại “tiền dễ” đã kết thúc, đầu tư và tăng trưởng giảm, khả năng suy thoái hiện hữu, lạm phát tăng cao, lãi suất cũng tăng.
“Nhìn chung dự báo kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm, có thể vẫn xấu đi trong năm 2023 dù khả năng ở nửa năm sau có thể tốt lên. Dự báo mới nhất của IMF cho thấy năm nay tăng trưởng toàn cầu có thể đạt mức 3,2%, năm sau là 2,7%.
Mỹ - nền kinh tế hàng đầu vẫn kiên quyết chống lạm phát và chấp nhận suy thoái. Tuy nhiên, kỳ vọng lạm phát đạt đỉnh cuối năm 2022, và Fed cũng đang có dấu hiệu giảm tốc độ tăng lãi suất”, ông nói.
Rủi ro với triển vọng tăng trưởng của thế giới, theo TS. Trần Đình Thiên là ba yếu tố gồm tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, suy thoái toàn cầu và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt.
Dự báo về kinh tế trong nước, trong bức tranh chung u ám, vị chuyên gia cho rằng triển vọng của Việt Nam có vẻ đang sáng hơn khi dự báo tăng trưởng năm nay đạt 8%, lạm phát ở mức 4%. Tuy nhiên, TS. Trần Đình Thiên cho rằng “bức tranh vĩ mô đang che giấu một phần hiện thực gay go, khu vực nội địa vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về tài chính”. Dự báo năm tới tình hình khó khăn hơn năm nay rất nhiều.
“Ở trong nước, doanh nghiệp Việt Nam thực sự gặp nhiều khó khăn. Bức tranh chung vĩ mô không giống với bức tranh thực của khu vực nội địa. Trong nền kinh tế có điểm sáng là khu vực FDI, xuất nhập khẩu đang tốt lên, ngân sách bội thu vượt chỉ tiêu nhưng không có nghĩa thực lực nền kinh tế hoàn toàn ổn, mà nguy cơ bất ổn cao”, ông nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng chúng ta đang mắc nghịch lý thành công. Đó là nền kinh tế đang rất tốt, tăng trưởng cao, lạm phát thấp, vậy kỳ tích ở đâu ra? Kinh tế tăng trưởng cao, ổn định vĩ mô nhưng thị trường chứng khoán lao dốc với các kỷ lục thế giới, nguy cơ vỡ trận thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Kinh tế tốt nhưng khủng hoảng tâm lý, lòng tin trong khi nền kinh tế khát vốn và nguy cơ nợ xấu.
"Những nghịch lý này chúng tôi cũng nói với Chính phủ và hôm nay nói với doanh nghiệp để nhận diện, nghịch lý vậy không được quên. Nếu không xử lý tốt, đặc biệt chính sách vĩ mô, phương án doanh nghiệp, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Lúc này đây tôi nói kinh tế tốt nhưng khủng hoảng tâm lý, có vấn đề niềm tin, trong bối cảnh lao động thất nghiệp nhiều, đơn hàng giảm, luồng tiền, luồng vốn đều gặp vấn đề.
Vậy chúng ta đang kẹt ở đâu? Thật ra, cái mạch chung vẫn rất tốt nhưng vì một vài tình thế gây ra bất ổn gây ra sang chấn lòng tin, tâm lý”, TS. Trần Đình Thiên nói.
Ông cũng cho rằng cần cùng nhau giữ ổn định vĩ mô, lạm phát thấp nhưng không được phép không đáp ứng nhu cầu tiếp máu cho nền kinh tế.
“Nền kinh tế vẫn phải được tiếp máu. Nước ta chưa lạm phát mà lại sợ lạm phát quá nên không dám bơm tiền, sợ mở ra thì trái phiếu doanh nghiệp bất ổn. Điểm này chúng ta phải xử lý bình tĩnh để giải quyết vấn đề”, ông nói.
Về giải pháp, ông cho rằng thời điểm này là cơ hội lịch sử để đẩy mạnh cải cách thể chế, quan niệm lại ổn định kinh tế vĩ mô, cấu trúc lại hệ thống thị trường tài chính, cải cách hệ thống đầu tư công.
Trong ngắn hạn, ông đề xuất cần giải phóng đầu tư công, dập tắt khủng hoảng tâm lý, khôi phục lòng tin, lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp - cho vay doanh nghiệp.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng kiến nghị Chính phủ xem lại Nghị định 65 liên quan đến phát hành trái phiếu riêng lẻ, cụ thể là kéo dài điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp của nghị định trước thêm một năm để nhà đầu tư không chuyên có thêm một năm tiếp tục đầu tư sau đó tự thu hẹp.
Theo Doanh nhân Việt Nam