Truyền thông phải đi đầu
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết đánh giá lĩnh vực thông tin, truyền thông có vị trí quan trọng và ngày càng cần thiết hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thư tư đang diễn ra mạnh mẽ. "Truyền thông phải đi đầu chứ không phải đi theo, là một trong những động lực, truyền cảm hứng cho sự phát triển và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong kỷ nguyên số", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, năm 2022, đất nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đạt nhiều kết quả quan trọng
Thủ tướng khẳng định có được kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo sát sao, kịp thời Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có đóng góp quan trọng của ngành thông tin và truyền thông.
Bộ và ngành thông tin và truyền thông đạt được những kết quả nói trên là nhờ đã thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; sự phấn đấu, nỗ lực, vươn lên của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức Bộ và ngành; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả của các cấp, cá ngành, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Bên cạnh những kết quả đạt được là chính, rất cơ bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những điểm cần cố gắng hơn nữa của ngành thông tin và truyền thông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Trước hết, nhận thức và tổ chức thực hiện công tác truyền thông chưa thực sự ngang tầm, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của truyền thông chính sách để người dân hiểu, tham gia xây dựng, thực hiện và thụ hưởng thành quả từ đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Ông lấy ví dụ, trong vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, truyền thông phải giúp người dân hiểu rằng lợi nhuận cao thì rủi ro lớn, từ đó góp phần vào sự phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững của thị trường. Hoặc trong phòng chống dịch COVID-19, hai yếu tố rất quan trọng là tiêm vaccine và ý thức của người dân, điều này đòi hỏi công tác truyền thông phù hợp, mạnh mẽ và hiệu quả.
Cùng với đó, chuyển đổi số dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng chưa tạo được sự đột phá về tư duy, nhận thức, hành động và sản phẩm cụ thể. Xếp hạng Chính phủ điện tử Việt Nam trong 10 năm qua chủ yếu ở vị trí thứ 80 - 99 (năm 2022 xếp 86/193 nước), cách khá xa mục tiêu vào nhóm 50 nước dẫn đầu đến năm 2026.
Kinh tế số chủ yếu là sản xuất điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Dịch vụ viễn thông, nền tảng số và kinh doanh trực tuyến còn hạn chế. Số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính còn chưa nhiều; dữ liệu - yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số - còn rời rạc, phân tán, trùng lặp, chưa có sự liên kết và thống nhất. Các cơ quan chưa chủ động, tự nguyện chia sẻ dữ liệu; dịch vụ công trực tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu.
Số lượng nền tảng số Việt Nam còn hạn chế, chất lượng thấp. Người dân chủ yếu sử dụng các nền tảng nước ngoài, chưa được cơ quan chức năng kiểm soát và quản lý chặt chẽ, dễ lộ lọt bí mật, không bảo đảm an toàn, khó xử lý khi phát sinh tranh chấp, có thể bị lợi dụng vào các hoạt động phi pháp trên không gian mạng. Doanh nghiệp công nghệ số phần lớn có quy mô nhỏ, số doanh nghiệp vươn ra thị trường nước ngoài chưa nhiều.
Việc thanh tra, kiểm tra còn hạn chế; kết quả xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí và biểu hiện lệch lạc trong hoạt động báo chí -truyền thông chưa được như mong muốn; vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác còn khá phổ biến; những thông tin sai lệch trên mạng còn nhiều.
Thủ tướng nhấn mạnh năm 2023 được dự báo có khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022 và nhiều hơn thời cơ thuận lợi, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu hạn chế, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có tác động lớn tới bên trong, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. Bộ và ngành thông tin và truyền thông cần chủ động, tích cực hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn được giao.
"Vừa qua, tôi dự các hội nghị quốc tế thì không có ai không nói đến chuyển đổi số, không có ai không nói đến biến đổi khí hậu, không có ai không nói đến kinh tế tuần hoàn và không có ai không nói đến cuối cùng là lợi ích của người dân. Chuyển đổi số đang len lỏi vào tất cả các góc cạnh của cuộc sống, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII: "Coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa"", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa quan điểm của Đảng về chuyển đổi số, trong đó có việc xây dựng chiến lược sản xuất chip. Thủ tướng kêu gọi chung tay chuyển đổi số lành mạnh, an toàn, bình đẳng, người dân được tiếp cận chuyển đổi số bao trùm và toàn diện, được hưởng thụ thành quả chuyển đổi số. Đổi mới sáng tạo là do con người, đổi mới sáng tạo phải tập trung vào chuyển đổi số và phải có hạ tầng, con người và kết nối.
Cơ bản đồng tình, đánh giá cao các nhiệm vụ, giải pháp đúng và trúng được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định cho năm 2023, Thủ tướng đề nghị phát huy thành quả của năm 2022, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát tình hình, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, phát hiện các khó khăn, vướng mắc, phản ứng chính sách kịp thời, tổ chức thực hiện hiệu quả, "kiểm đếm được, ra sản phẩm cụ thể".
Lưu ý thêm một số nội dung, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phải đặt trong bối cảnh một đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, do đó phải bám sát thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Thủ tướng yêu cầu tiến hành phủ sóng toàn diện, bao trùm tới mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tất cả mọi người dân đều được hưởng dịch vụ viễn thông. Thủ tướng giao ngành thông tin và truyền thông và ngành điện lực thực hiện nhiệm vụ này, "điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó", phấn đấu ở đâu cũng có điện và ở đâu cũng có viễn thông, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ ba, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chú trọng cập nhật, xử lý dữ liệu thường xuyên, liên tục, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống"; trong đó có dữ liệu đất đai, nhà ở... Dữ liệu là tài nguyên đặc biệt, cần phải lưu trữ, chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách an toàn, bảo mật, khoa học, hiệu quả, tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan, tạo nên các giá trị gia tăng, thông qua đó hỗ trợ chuyển đổi phương thức quản trị quốc gia.
Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, trong đó lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt các nguồn đầu tư xã hội và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Trọng tâm phát triển hạ tầng số năm 2023 là thương mại hóa mạng 5G, tạo ra những thay đổi về kết nối, để hạ tầng thông tin liên lạc trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế. Phát triển bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia, của nền kinh tế số.
Thứ năm, tập trung thúc đẩy kinh tế số, trọng tâm là phát triển kinh tế số nền tảng để phục vụ người dân và doanh nghiệp, kinh tế số ngành là chiến lược, lâu dài để phát triển toàn diện, bền vững. Tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của người dân làm từ nhà, tỷ lệ người dân cài đặt các nền tảng số Việt Nam. Thúc đẩy thương hiệu "Make in Việt Nam", phấn đấu tăng tỷ trọng kinh tế số trong GDP. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển trong nước và vươn ra thế giới, đặc biệt là phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành truyền thông.
Thứ sáu, tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân, bảo đảm an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng. Nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, phổ cập kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, tạo lập niềm tin số trên môi trường mạng, thúc đẩy người dân sử dụng các nền tảng số Việt Nam.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới trên cơ sở "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", bảo đảm chủ quyền đất nước và tính thượng tôn pháp luật của Việt Nam. Tăng cường truyền thông chính sách, thông tin về các nhân tố tích cực, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu". Ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thông tin xấu, độc, sai sự thật, phản bác quan điểm sai trái trên mạng xã hội. Xây dựng cơ chế, chế tài xử lý các hoạt động lợi dụng mạng xã hội để trục lợi, lừa đảo, đe dọa an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí. Có biện pháp ngăn chặn hiệu quả vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
Thủ tướng lưu ý bên cạnh thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của ngành, cần chú trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên; xây dựng cơ quan hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, vì dân, vì nước, đoàn kết, thống nhất. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Quan tâm tạo môi trường làm việc thân thiện; khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nói, dám làm vì lợi ích chung, phát huy năng lực mỗi cá nhân; chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp điều kiện và hoàn cảnh.
Nhấn mạnh tinh thần của năm 2023 là "Đoàn kết, kỷ cương - Bản lĩnh, linh hoạt - Đổi mới sáng tạo - Kịp thời, hiệu quả", Thủ tướng tin tưởng Bộ và ngành thông tin và truyền thông sẽ hát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nỗ lực, quyết tâm cao hơn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, năm sau tốt hơn năm trước, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước, được người dân thụ hưởng, đánh giá và ghi nhận.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Báo chí phản ánh trung thực dòng chảy xã hội
Trước đó, theo báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, ngành thông tin và truyền thông tiếp tục nỗ lực phấn đấu và đã đạt thêm nhiều kết quả quan trọng. Công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành thông tin và truyền thông chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc.
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ. Công tác báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên.
Năm 2022, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so năm 2021 và gấp 1,5 lần so dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 98.982,3 tỷ đồng, tăng 24,7% so năm 2021; tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1.510.027 lao động, tăng 5% so năm 2021; tốc độ tăng năng suất lao động là 6,7% so với năm 2021.
Đóng góp của kinh tế số cho GDP năm 2022 ước đạt tỉ trọng khoảng 14,26%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022.
Các doanh nghiệp viễn thông đã hoàn thành phủ sóng cho 2.152/2.418 điểm lõm sóng là các thôn, bản trên toàn quốc. Như vậy, tỉ lệ thôn đã có sóng trên toàn quốc đạt 99,73%.
Công tác báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội. Buộc các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới tuân thủ, rà soát, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc đạt trên 90% yêu cầu của Nhà nước Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết năm 2023 tới sẽ là năm về dữ liệu, tập trung công bố và xây dựng cơ sở dữ liệu các bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu để kết nối chia sẻ và an toàn dữ liệu. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai các công tác để tạo ra sự thay đổi cơ bản về dữ liệu Việt Nam vì tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu chính là thay đổi căn bản của chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tập trung triển khai các chiến lược được ban hành, xây dựng các hướng dẫn thực thi chiến lược, tiến hành đo lường và công bố công khai các chỉ tiêu chiến lược,… hạn chế việc chiến lược làm ra sẽ chỉ "nằm trong ngăn kéo".
Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ mở chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi "mở cõi". "10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số và nhất là từ gia công phần mềm sang "make in Việt Nam". Chúng tôi xin nhận mọi nhiệm vụ được giao", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
VietQ