Thông tin này được bà Susanna Campbell, Chủ tịch Tập đoàn SYRE (Thụy Điển) cho biết tại buổi tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính. SYRE là công ty con của Tập đoàn may mặc H&M (thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới của Thụy Điển) và Công ty Đầu tư công nghệ Vargas (Thụy Điển).
Theo đó, SYRE dự kiến đầu tư tổ hợp tái chế vải polyester tại Bình Định với công suất thiết kế lên tới 250.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD.
Dự án dự kiến đi vào vận hành vào cuối năm 2028 và hướng tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu đầu tiên về dệt may tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn Mỹ và EU, phù hợp định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.

Thủ tướng hoan nghênh Tập đoàn SYRE dự kiến đầu tư tổ hợp tái chế vải polyester theo hướng sản xuất xanh, sạch, tận dụng phế liệu liên quan dệt may, góp phần cải thiện môi trường theo tinh thần của các Hội nghị từ COP26 đến 28. Dự án của SYRE phù hợp với định hướng của Việt Nam trong đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng để thích ứng với những biến động của tình hình.
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn SYRE khi triển khai dự án sẽ chú trọng sử dụng các nguyên liệu xanh trong nước như sợi sen, sợi đay… cũng như nghiên cứu sử dụng vải vụn và quần áo cũ thải bỏ phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí và thân thiện môi trường.
Dự án cần có nghị quyết đặc biệt của Chính phủ
Trước đó hồi tháng 2, buổi làm việc với Bộ Công Thương, Tập đoàn SYRE cho biết công ty mong muốn đầu tư dự án nhà máy tổ hợp sản xuất tái chế sợi polyester tại tỉnh Bình Định. Dự án dự kiến tại khu công nghiệp Nhơn Hội A với công suất 250.000 tấn một năm, tổng vốn đầu tư 700 triệu đến 1 tỷ USD.

Tập đoàn cam kết ứng dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn hàng đầu của thế giới về bảo vệ môi trường và tuân thủ quy định bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Thực tế, việc thu gom quần áo đã qua sử dụng tại Việt Nam chưa có cơ chế triển khai rõ ràng. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc thu mua, phân loại và xử lý nguyên liệu để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất của dự án, theo đại diện Syre.
Do đó, Tập đoàn này đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng cơ chế, hướng dẫn cụ thể về thu gom, phân loại, xử lý quần áo đã qua sử dụng trong nước để đảm bảo nguồn nguyên liệu tái chế phục vụ sản xuất.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đánh giá dự án này có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp dệt may tuần hoàn toàn cầu, tạo nhiều việc làm và đóng góp vào nền kinh tế xanh. Vì vậy, Bình Định đề nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn chi tiết và hỗ trợ thủ tục nhập khẩu vải vụn từ quá trình sản xuất theo quy định hiện hành.
Hiện quần áo, vải đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu. Còn vải vụn cũng là phế liệu trong quá trình sản xuất.
Còn theo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, quan điểm của Chính phủ Việt Nam là tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư phát triển kinh doanh bền vững. Tuy nhiên, theo ông Hoài, dự án này cần có Nghị quyết đặc biệt của Chính phủ để có cơ sở thực hiện. "Vì đây là đặc thù và là thí điểm phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với nguyên vật liệu đã qua sử dụng", ông giải thích.
Trước đề xuất của phía doanh nghiệp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý Việt Nam rất quan tâm về những công nghệ mà Tập đoàn SYRE áp dụng trong quá trình sản xuất và các công đoạn tẩy, nhuộm, hấp, hoàn thiện sản phẩm. Ông yêu cầu các công nghệ này cần bảo đảm sạch, an toàn môi trường, đáp ứng về xử lý nước, rác thải của dự án.
"Khi chứng minh được sự vượt trội của dự án về công nghệ sản xuất, khả năng đóng góp về kinh tế xã hội, tạo thành chuỗi sản xuất khép kín trong nước thì Bộ Công Thương sẵn sàng tham mưu cấp có thẩm quyền để có cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án", Bộ trưởng nói thêm.