Nhu cầu tăng cao, cần nhập khẩu thép để đáp ứng
Tại buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương ngày 23/10, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo ông Trung, sản xuất thép cán nóng trong nước gồm 2 doanh nghiệp, có tổng công suất là 8,6 triệu tấn/năm. Bên cạnh phục vụ nhu cầu trong nước thì một phần được sử dụng xuất khẩu sang thị trường khác, tỉ lệ 50-50.
Trong khi đó, nhu cầu thép cán nóng tại thị trường Việt Nam khoảng 13 triệu tấn/năm, do đó nhập khẩu vẫn là nguồn bổ sung nhu cầu thị trường trong nước trong thời điểm hiện tại.
Vừa qua, do nhu cầu của sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về điều tra áp dụng chống bán phá giá với thép cán nóng từ Trung Quốc và Ấn Độ, nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Theo quy trình điều tra, dựa trên thông tin và dữ liệu các bên cung cấp, Cục Phòng vệ thương mại đang tiến hành xác định hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp nước ngoài cũng như tác động của nhập khẩu đến sản xuất trong nước, bao gồm diễn biến gia tăng nhập khẩu thời gian gần đây.
Trong đó, Cục Phòng vệ thương mại gửi bảng câu hỏi điều tra cho các bên liên quan, thời hạn điều tra vừa mới kết thúc với doanh nghiệp sản xuất trong nước vào ngày 6/10 và doanh nghiệp nước ngoài vừa kết thúc vào ngày 22/10.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu gần 12,3 triệu tấn sắt thép, trị giá trên 8,97 tỷ USD, tăng mạnh 31,7% về lượng và tăng 19% kim ngạch so với 9 tháng đầu năm 2023. Giá nhập khẩu trung bình đạt 729,5 USD/tấn, giảm 9,7% về giá so với 9 tháng năm 2023.
Riêng tháng 9/2024, nhập khẩu gần 1,55 triệu tấn sắt thép, tương đương trên 1,06 triệu USD, giá trung bình 688 USD/tấn, tăng 15,4% về lượng, tăng 4,3% về kim ngạch nhưng giảm 9,6% về giá so với tháng 8/2024.
Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất trong tháng 9 đến từ Trung Quốc, với 8,31 triệu tấn, tương đương gần 5,36 tỷ USD, giá 644,5 USD/tấn, tăng 50,6% về lượng, tăng 37,8% kim ngạch nhưng giảm 8,5% về giá so với 9 tháng đầu năm 2023. Thị trường này chiếm 67,6% trong tổng lượng và chiếm 59,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam, hiện Việt Nam đứng thứ 12 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN về sản xuất thép với quy mô sản xuất có thể đạt đến 30 triệu tấn trong năm 2024. Tuy nhiên, ngành thép hiện đang gặp nhiều khó khăn do sự sụt giảm của thị trường bất động sản, giá nguyên liệu tăng, tồn kho lớn… Và điều đáng lo ngại của ngành thép Việt là đang có nguy cơ bị mất thị trường nội địa do thép nhập khẩu từ Trung Quốc, bởi Trung Quốc là quốc gia đứng đầu về nhập khẩu thép vào Việt Nam.
Các doanh nghiệp thép kinh doanh ra sao?
Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 với doanh thu đạt hơn 34.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 3.022 tỷ đồng, tăng 51% nhưng giảm so với quý II/2024.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát ghi nhận hơn 105.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 75% kế hoạch năm 2024; lợi nhuận sau thuế đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ và hoàn thành 92% kế hoạch lợi nhuận năm.
Theo Hòa Phát, sản lượng thép xây dựng, thép chất lượng cao của công ty trong quý 3/2024 đạt gần 1,1 triệu tấn, giảm 14% so với quý trước (1,27 triệu tấn). Thị phần thép xây dựng trong nước vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với 38%. Thép cuộn cán nóng đạt 738.000 tấn, tương đương quý II.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 6,4 triệu tấn thép thô, tăng 34% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng bán hàng thép các loại (chưa bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ) đạt 6,1 triệu tấn, tăng 32%. Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đóng góp 3,3 triệu tấn, tăng 29%.
Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 2,27 triệu tấn và phôi thép đạt 505.000 tấn. Đối với các sản phẩm thép hạ nguồn, ống thép đạt 503.000 tấn, tăng 3% so với 9 tháng đầu năm 2023. Tôn Hòa Phát đạt sản lượng 344.000 tấn, tăng 43% so với cùng kỳ và vượt cả năm 2023 (329.000 tấn).
Hòa Phát đang dồn lực triển khai xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, quy mô 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm. Theo tiến độ hiện nay, phân kỳ 1 dự kiến sẽ có sản phẩm chạy thử nóng lò cán đầu tiên vào cuối năm 2024.
Tương tự, CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (Mã: TNS) cũng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 593 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 1,8% của quý III/2023 lên 3,3%.
Các chi phí đều tăng nhưng công ty thép vẫn có lãi sau thuế gần 11 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình của doanh nghiệp, thị trường thép cán nguội năm 2024 vẫn còn tồn tại nhiều diễn biến khó lường từ môi trường cạnh tranh, khả năng phục hồi chậm. Công ty đã nỗ lực tìm kiếm khách hàng cũng như nguồn hàng có giá cả hợp lý. Nhờ đó, sản lượng sản xuất tăng 54% và tiêu thụ tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu tăng là yếu tố chính giúp lợi nhuận của công ty tăng.
Mặc dù tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ nhưng so với quý 2 liền trước, doanh thu và lợi nhuận của TNS đều sụt giảm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Thép tấm lá Thống Nhất mang về tổng doanh thu 2.318 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế gần 26 tỷ đồng, so với quý III/2023 chỉ đạt hơn 120 triệu đồng.
Trong khi đó, CTCP Thép Thủ Đức - VNSteel (Mã: TDS) báo lỗ quý III/2024. Theo báo cáo tài chính quý III/2024 vừa công bố, Thép Thủ Đức đạt doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức 385 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên giá vốn bán hàng tăng mạnh hơn khiến biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 0,9%, so với cùng kỳ đạt 2,9%.
Lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt 3,5 tỷ đồng, giảm 63% so với quý III năm ngoái. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều tăng nhẹ so với cùng kỳ, tổng gần 11 tỷ đồng.
Kết quả, Thép Thủ Đức lỗ sau thuế 6,6 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ gần 500 triệu đồng. Trong quý II/2024, TDS cũng lỗ 6 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, Thép Thủ Đức mang về 1.068 tỷ đồng doanh thu, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá vốn bán hàng cao và các chi phí tăng nên doanh nghiệp thép này lỗ sau thuế 9,6 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2023 có lãi hơn 1 tỷ đồng.
Có thể thấy rõ bức tranh kinh doanh khá trái chiều của một số doanh nghiệp ngành thép đã công bố. Tuy nhiên, gam mầu chính trong bức tranh này vẫn khá sáng.