'Dọn đường' cho con trai
35 năm sáng lập và điều hành, có thể nói là một hành trình bền bỉ, đầy tâm huyết của ông Lê Viết Hải khi đưa Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình trở thành doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam. Hoà Bình đã có một “thập niên vàng” với tốc độ tăng trưởng doanh thu “siêu tốc”, khi cứ 5 năm, doanh thu lại tăng gấp 5 lần.
Cụ thể, doanh thu năm 2008 là 696 tỷ đồng; năm 2013, tăng gấp 5 lần, đạt 3.431 tỷ đồng; năm 2018, doanh thu lại tăng gấp 5 lần, đạt 18.299 tỷ đồng. Giai đoạn rực rỡ này là niềm tự hào của “người Hòa Bình” và cũng là nguồn cảm hứng lớn cho nhà sáng lập Lê Viết Hải (đương kim Chủ tịch HĐQT lúc bấy giờ) viết cuốn sách nổi tiếng của ông “Thập kỷ vàng – Trang sử mới”.
Sau thời đại hoàng kim này, ông Lê Viết Hải đã thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực cho con trai là Lê Viết Hiếu (vị trí Tổng giám đốc) với nhiệm kỳ 2 năm. Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp, Tổng giám đốc không được có quan hệ trực hệ với Chủ tịch/Thành viên HĐQT, do đó ông Lê Viết Hải đã chấp nhận rút lui để ông Lê Viết Hiếu ngồi vững trên ghế Tổng giám đốc, sau khi đã phải tạm lui xuống chức Phó tổng giám đốc thường trực. Kể từ đầu năm 2023, ông Lê Viết Hải sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng sáng lập - một cơ cấu mới được Hòa Bình lần đầu tiên lập ra, nhằm đảm bảo vị thế cho ông Hải sau các diễn biến trên.
Nhìn lại lịch sử 35 năm của ông Lê Viết Hải ở Hòa Bình, có thể nói, tập đoàn này đã đạt được những thành tựu ấn tượng, những cột mốc đỉnh cao, song cũng chứa đựng những vấn đề đáng lo ngại về kinh doanh, tài sản, tài chính và dòng tiền. Đó là những thách thức không nhỏ cho người kế nhiệm ông Hải cũng như cho Hòa Bình trong giai đoạn tới đây.
Hòa Bình vẫn còn nhiều vấn đề về kinh doanh, tài chính, đòi hỏi những nỗ lực giải quyết không ngừng từ người kế nhiệm. |
"Cú rơi" biên lợi nhuận
Một trong những điểm đáng lo ngại khi quan sát hoạt động kinh doanh của Hoà Bình là sự sụt giảm mạnh của biên lợi nhuận gộp. Trở lại năm 2016 - năm đầu tiên doanh thu của Hòa Bình vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp lên tới 11,4%. Những năm sau đó, biên lợi nhuận gộp giảm dần: năm 2017 còn 10,5%; năm 2018 còn 9,2%. Từ năm 2019, biên lợi nhuận bắt đầu giảm mạnh, chỉ còn 6,7% và tiếp tục giảm còn 6,5% vào năm 2020. Năm 2021, biên lợi nhuận gộp nhích nhẹ lên 7%, nhưng sang đến năm 2022 lại quay đầu còn 6,27% (tính hết 9 tháng). Như vậy, so với thời kỳ đỉnh cao, biên lợi nhuận gộp của Hoà Bình đã giảm gần một nửa.
Sự sụt giảm biên lợi nhuận gộp chủ yếu bắt nguồn từ sự suy thoái của ngành bất động sản - điều đã khiến những doanh nghiệp xây dựng dân dụng - thương mại như Hoà Bình sụt giảm về số lượng đơn hàng và làm thị trường xây dựng gia tăng tính cạnh tranh. Hệ quả là thị trường xuất hiện cuộc đua xuống đáy về giá, khi các nhà thầu đua nhau giảm biên lợi nhuận tại từng dự án, thậm chí còn có những đơn vị chấp nhận làm dưới giá vốn để lấy việc làm cho người lao động.
Hòa Bình chưa đến mức độ phải làm dưới giá vốn, song tình trạng hòa vốn đã không còn hiếm. Đó là chưa kể đến yếu tố rủi ro trong việc thi công các dự án của các tập đoàn đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn về tiền bạc.
Theo ông Lê Viết Hải, sự suy giảm ở mảng dân dụng - thương mại đã khiến Hoà Bình phải tìm kiếm công việc ở các lĩnh vực khác như xây dựng hạ tầng, xây dựng công nghiệp. Thời gian qua, doanh nghiệp này đã “đặt chân” vào nhiều gói thầu lớn như dự án của Want Want (Đài Loan), BWID, Hoà Phát…
Tuy nhiên, ông Lê Viết Hải cho biết lợi nhuận của các dự án này cũng không cao, vì giá rất cạnh tranh.
Đau đầu nợ đọng
Sự sụt giảm của biên lợi nhuận có lẽ chưa phải là vấn đề lớn nhất của Hòa Bình, bởi về tổng thể, dù sao tập đoàn vẫn có lãi, dù lãi ít hay nhiều. Điều “khổ tâm” muôn thuở của các nhà thầu là thi công xong mà không thu được tiền về, tức bị nợ đọng.
Xét báo cáo tài chính 6 năm trở lại đây của Hòa Bình, có thể thấy khoản phải thu ngắn hạn đã tăng khá mạnh về giá trị và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu tổng tài sản. Cụ thể, năm 2016, tỷ trọng của khoản phải thu trong tổng tài sản là 59%, năm 2017 tăng lên 66%, từ năm 2018 trở đi đạt trung bình 70%. Đến hết 9 tháng năm 2022, khoản phải thu ngắn hạn cán mốc 13.355 tỷ đồng, chiếm 72% tổng tài sản.
Điều "khổ tâm" nhất Hoà Bình phải đối mặt trong nhiều năm liền là tình trạng nợ đọng. |
Trong cơ cấu khoản phải thu ngắn hạn, đáng chú ý là khoản nợ xấu (dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi) lên tới hàng trăm tỷ đồng và có xu hướng tăng cao. Cụ thể, giai đoạn 2019 - 2021, khoản nợ xấu này tương đối cao, lần lượt là: 386 tỷ đồng, 403 tỷ đồng và 369 tỷ đồng. Tại ngày kết thúc 9 tháng năm 2022, nợ xấu đã lên tới 415 tỷ đồng.
Tình trạng phải thu ngắn hạn quá lớn và nợ xấu gia tăng đã khiến Hoà Bình phải đẩy mạnh công tác thu hồi nợ; thậm chí phải tiến hành các thủ tục thưa kiện. Nguồn tin riêng của PV cho biết, tính đến hiện tại, Hoà Bình đã thưa kiện tới 15 vụ. Ông Lê Viết Hải cho biết, hầu hết các vụ đều thắng, song có những vụ đã thắng mà chưa thu được tiền. “Lại có những trường hợp bất khả kháng như FLC, đang thu được nợ thì lãnh đạo công ty đó bị bắt giam, điều tra, nên công tác thu hồi nợ bị đứt đoạn. Dù sao thì Hoà Bình cũng đã thu hết nợ gốc 192 tỷ đồng và gần 30 tỷ đồng tiền lãi. Số tiền lãi 65 tỷ đồng còn lại tôi tin là vẫn sẽ thu về đầy đủ”, Chủ tịch Hoà Bình chia sẻ.
Dòng tiền kinh doanh âm liên tục
Việc các khoản phải thu có giá trị rất lớn đã ảnh hưởng mạnh tới dòng tiền của Hòa Bình. Suốt các năm 2017 - 2020, dòng tiền kinh doanh của công ty luôn trong tình trạng âm nặng: năm 2018 âm 182 tỷ đồng, năm 2019 âm 706 tỷ đồng, 2020 âm 290 tỷ đồng. Đến năm 2021, dòng tiền kinh doanh mới dương 563 tỷ đồng (do tăng các khoản phải trả); nhưng tới 9 tháng năm 2022, dòng tiền kinh doanh lại tiếp tục âm nặng 1.331 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh âm liên quan trực tiếp tới vấn đề nguồn vốn của HBC. Doanh nghiệp này nổi tiếng ưa thích sử dụng đòn bẩy tài chính. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Hòa Bình các năm qua luôn khá cao, có thời điểm lên tới 5,2 lần (năm 2016). Dù các năm sau đó đã điều chỉnh giảm: năm 2017 là 4,6 lần; năm 2018 là 4,4 lần; năm 2019 là 3,2 lần; năm 2020 là 2,7 lần, năm 2021 là 3 lần; 9 tháng đầu năm 2022 lại vọt lên 3,95 lần; song nhìn chung đây vẫn là một mức khá cao, kể cả khi xét đặc thù xây dựng là ngành thâm dụng vốn.
Xét riêng nợ vay, giá trị các khoản vay mượn của Hòa Bình cũng đã rất cao: năm 2016 gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu; năm 2017 gấp 1,86 lần; năm 2018 gấp 1,48 lần. Dòng tiền vay/trả hàng năm của HBC trong giai đoạn 2018 - 2020 luôn trên 10.0000 tỷ đồng/năm. Năm 2021, dòng tiền vay/trả đã được cải thiện, song vẫn ở mức rất lớn, đạt 9.809 tỷ đồng/9.829 tỷ đồng; 9 tháng năm 2022, dòng tiền vay/trả lần lượt là 8.910 tỷ đồng/7.441 tỷ đồng.
Việc vay mượn quá lớn đã tạo ra chi phí tài chính khổng lồ, ăn mòn đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp - vốn đã bị mỏng đi vì cuộc cạnh tranh khốc liệt và gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, nhất là khi thị trường xây dựng vẫn chưa thể tìm thấy lối ra trong thời gian tới.
Như vậy có thể thấy, Hòa Bình đang tồn tại khá nhiều vấn đề lớn, có tính chất kinh niên, không dễ xử lý trong một sớm một chiều. Cuộc chuyển giao quyền lực, vì vậy, đã đặt lên vai ông Lê Viết Hiếu một gánh nặng ngàn cân trong việc tái cấu trúc và tìm kiếm một lối đi khác biệt cho tập đoàn, để viết tiếp giấc mơ nhân 5 lần doanh thu sau mỗi 5 năm. Câu chuyện của Hòa Bình, vì thế vẫn sẽ còn nhiều chuyện hay để kể.
Kinh tế Chứng khoán