Theo tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Philippines sẽ tăng lượng gạo nhập khẩu vì tình trạng khô hạn ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo nội địa. Nếu Philippines nhập khẩu gạo đúng như dự báo thì đây sẽ là con số kỷ lục của nước này; trước đó vào năm 2022, nhập khẩu gạo đạt kỷ lục 3,826 triệu tấn. Năm 2023, lượng gạo nhập khẩu của Philippines giảm nhẹ do giá tăng quá cao nên nước này đẩy mạnh sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nguồn cung chỉ tăng nhẹ 2,2% từ gần 14,9 triệu tấn lên 15,3 triệu tấn.
Việt Nam vẫn là nguồn cung gạo lớn nhất cho Philippines trong năm 2023. Lượng gạo xuất khẩu đạt 3,1 triệu tấn và kim ngạch đạt 1,75 tỷ USD; tuy giảm 2% về lượng nhưng tăng tới 17,6% về giá trị so với năm 2022. Gạo của Việt Nam vẫn chiếm thị phần trên 80% tại Philippines.
Để đảm bảo nhu cầu gạo nhập khẩu, từ đầu năm 2024 chính quyền Philippines đã cấp 1.009 giấy phép cho các nhà nhập khẩu gạo. Bên cạnh đó, cuối năm ngoái chính phủ Philippines đã ký thỏa thuận với Việt Nam. Thỏa thuận có thời hạn 5 năm và mỗi năm Việt Nam sẽ đảm bảo nguồn cung gạo từ 1,5 - 2 triệu tấn. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng "hứa" sẽ bổ sung nguồn cung gạo cho Philippines bất chấp lệnh cấm nhập khẩu gạo non-basmati.
Tháng 6/2024, Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. đã ký Sắc lệnh số 62 điều chỉnh mức thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng, trong đó có mặt hàng gạo, từ mức 35% xuống còn 15% với thời hạn áp dụng cho tới năm 2028. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp cho giá gạo trên thị trường giảm khoảng 6-7 pesos/kg, làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước.
Theo số liệu thống kê của Cục Cây trồng - Bộ Nông nghiệp Philippines, nếu trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt 1,86 triệu tấn, thì trong 6 tháng đầu năm 2024, con số này là 2,32 triệu tấn, tăng 24,7%. Điều này cho phép dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong năm 2024 có thể đạt tới trên 4 triệu tấn, thậm chí tới 4,5 triệu tấn, cao hơn con số dự báo trước đây là khoảng 4 triệu tấn.
Cũng theo số liệu của Cục Cây trồng, trong 6 tháng đầu năm 2024, Philippines nhập khẩu 1,72 triệu tấn gạo từ Việt Nam. Tiếp theo sau là Thái Lan với khối lượng 352.331 tấn.
Ông Phùng Văn Thành - Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại thị trường Philipines cho biết, gạo của Việt Nam có phẩm cấp chất lượng vừa phải, phù hợp với thị hiếu, thói quen tiêu dùng và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân Philippines, từ số lượng lớn dân số có thu nhập trung bình và thấp cho đến các tầng lớp giàu có, giá cả phải chăng nên có tính cạnh tranh. Không những vậy, nguồn cung gạo Việt Nam ổn định cả về số lượng và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines. Khoảng cách địa lý gần nên chi phí thấp và thuận tiện trong chuyên chở.
Ngoài ra, gạo Việt Nam cũng tận dụng được ưu thế trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai bên tham gia, như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP)... trong khi các đối tác ngoài ASEAN của Philippines (như Ấn Độ, Pakistan) không có.
Để xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines bền vững, ông Thành khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước ngoài việc tiếp cận xuất khẩu sang thị trường mới phải luôn quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines. Bởi hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam.
Cạnh đó, doanh nghiệp Việt cần tiếp tục phối hợp tốt với Bộ Công Thương, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Philippines để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam. Tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm gạo xuất khẩu qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng gạo vào thị trường Philippines.
Doanh nghiệp cũng cần đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không chỉ quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, mà còn cần khai thác tiềm năng của gạo chất lượng trung bình, chất lượng thấp hơn để phục vụ cho một số lượng lớn người dân có thu nhập trung bình và thấp.
Liên quan đến xuất khẩu gạo, trước đó ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thận trọng đánh giá gạo xuất khẩu sẽ tùy từng thời điểm, có lúc cao, có lúc thấp, nhưng để tăng đột phá như năm ngoái là không dễ. Tuy nhiên, nhìn chung, giá xuất khẩu gạo bình quân trong năm nay dự báo sẽ tốt, ước khoảng 600 USD/tấn.
Dù vậy, ngành lúa gạo nói chung và xuất khẩu nói riêng vẫn có những khó khăn nhất định. Ông Đỗ Hà Nam dẫn chứng, với thị trường Philippines, khách hàng mua số lượng lớn nhưng giá bán lại thấp. Hiện giá gạo xuất khẩu đi thị trường Philippines chỉ khoảng 600 – 605 USD/tấn, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu để có lãi phải ở mức giá trên 610 USD. Bên cạnh đó, hiện nay, lượng hàng tồn kho gạo không lớn, đây cũng là mặt khó khăn của doanh nghiệp. Mặt khác, để tạo ra được sự đột phá về giá xuất khẩu gạo là khó vì thị trường đang thiếu yếu tố thúc đẩy.
“Về mặt lý thuyết, Ấn Độ chưa mở lại việc xuất khẩu gạo, tuy nhiên, theo nhận định chung, việc này chủ yếu do vấn đề bầu cử. Hiện nay, lượng tồn kho của Ấn Độ vẫn rất lớn và khả năng sớm hay muộn thì họ cũng sẽ mở cửa xuất khẩu trở lại. Khi Ấn Độ mở cửa trở lại thì thị trường rất khó có thể đẩy giá lên”, ông Nam cho hay.