Lỗ gộp lần thứ 4 và “nhân tố bí ẩn” cứu vãn lợi nhuận
Theo báo cáo, quý II/2023, doanh thu thuần của LGL đạt 49 tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn cao hơn 4 quý liền kề trước đó.
Tuy nhiên, quý này, LGL lại kinh doanh dưới giá vốn, dẫn tới khoản lỗ gộp 2 tỷ đồng. Đáng nói, đây là lần thứ 4 công ty lỗ gộp trong vòng 7 quý vừa qua (kể từ quý IV/2021 tới nay) – một con số cho thấy hiệu quả kinh doanh khá tồi tệ của doanh nghiệp này.
Điểm nhấn nổi bật của quý II/2023 là doanh thu tài chính đạt 107 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. LGL đã không thuyết minh cho phần kết quả kinh doanh quý này, tuy nhiên nhiều khả năng, khoản doanh thu tài chính nói trên đến từ việc thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ Long.
Nguyên do là trong báo cáo quý I/2023, Xây dựng Hạ Long vẫn được liệt kê trong danh sách công ty liên kết của LGL, nhưng đến báo cáo quý II/2023, cái tên này đã biến mất. Trên bảng tài sản, khoản mục đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh, giảm 59% so với đầu năm, còn 165 tỷ đồng.
Được biết, LGL đã đầu tư vào Xây dựng Hạ Long từ 2019 với tỷ lệ sở hữu 40% và đến tháng 5/2022, công ty ra quyết định thoái vốn.
Có thể nói việc thoái vốn khỏi Xây dựng Hạ Long là yếu tố đã cứu vãn lợi nhuận quý II/2023 của LGL, bởi nhờ khoản doanh thu tài chính “khổng lồ” này, LGL đã có thể trang trải cho chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 58 tỷ đồng (tăng gấp 4 lần cùng kỳ) và 6,6 tỷ đồng chi phí tài chính.
Kết quý II/2023, LGL có lãi trước thuế 40 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần cùng kỳ. Khấu trừ thuế, lãi còn 33 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần cùng kỳ. Đây cũng là khoản lãi sau thuế lớn nhất của LGL kể từ sau quý IV/2020.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của LGL đạt 60 tỷ đồng, giảm 6%; lợi nhuận gộp đạt 2,3 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ doanh thu tài chính đột biến trong quý II, LGL đã có thể kết thúc 6 tháng đầu năm với khoản lãi trước thuế 41 tỷ đồng, tăng 4,6 lần và khoản lãi sau thuế 33 tỷ đồng, tăng 8,4 lần so với cùng kỳ.
Năm 2023, LGL đặt mục tiêu doanh thu 450 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 13,3% mục tiêu doanh thu và vượt 10% mục tiêu lợi nhuận.
Nợ xấu tăng vọt
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của LGL đạt 1.331 tỷ đồng, giảm 18,5% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản có điểm đáng chú ý là các khoản phải thu ngắn hạn đạt 721 tỷ đồng, giảm 6%.
Trong các khoản phải thu, LGL ghi nhận khoản phải thu Công ty Cổ phần Tập đoàn Bách Việt từ vụ chuyển nhượng cổ phần Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đồng Nai với giá trị 19 tỷ đồng. Đây là khoản nợ đã quá hạn từ tháng 10/2020 và LGL mới chỉ trích lập 3,8 tỷ đồng cho khoản nợ xấu này.
Trường hợp của Bách Việt đã mở cho nhà đầu tư thấy quy mô nợ xấu của LGL là rất lớn. Cho tới hết quý II/2023, LGL đã trích lập dự phòng nợ xấu tới 107 tỷ đồng, tăng 88% so với thời điểm đầu năm.
Các khoản nợ xấu không có khả năng thu hồi được trích lập của LGL có thể kể đến là: CTCP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam 21 tỷ đồng, CTCP Xây dựng và Kỹ thuật Việt Nam 5,5 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Đầu tư Long Giang 4,7 tỷ đồng, CTCP Long Việt 1,7 tỷ đồng, CTCP Xây dựng số 1 Hà Nội 2,7 tỷ đồng, CTCP Xây dựng Long Giang 8,2 tỷ đồng, CTCP Địa ốc COMA 956 triệu đồng, Công ty Xây dựng số 1 725 triệu đồng, Công ty Delta 681 triệu đồng, Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội 828 triệu đồng... và khoảng 54 tỷ đồng phải thu từ tổ chức, cá nhân khác.
Không loại trừ khả năng trong thời gian tới, khoản dự phòng nợ xấu của LGL sẽ tiếp tục phình to.
Ngoài vấn đề ở các khoản phải thu, LGL còn gây quan ngại ở hàng tồn kho. Ghi nhận đến thời điểm kết quý II/2023, giá trị hàng tồn kho đạt 352 tỷ đồng, gần như không đổi so với đầu năm. Trong đó, có 59 tỷ đồng tồn kho là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (chủ yếu tại dự án Rivera Park Cần Thơ: 54 tỷ đồng); 292 tỷ đồng tồn kho khác là hàng hóa bất động sản, như dự án Thành Thái 278 tỷ đồng (gồm: lô A 2 tỷ đồng, lô C 277 tỷ đồng) dự án Rivera Park 69 Vũ Trọng Phụng (13 tỷ đồng).
Việc tồn đọng hàng hóa là một dấu hiệu “không mấy vui vẻ” với bất kỳ doanh nghiệp địa ốc nào. Cũng cần biết rằng lô C – dự án Thành Thái, hạng mục tồn kho lớn nhất của LGL, đã được cam kết bán toàn bộ cho Công ty Dịch vụ Công ích quận 10, TP. HCM từ tận năm 2018 với giá trị tạm tính là 252 tỷ đồng. Nhưng cho đến hiện nay, TP. HCM vẫn chưa duyệt giá trị đầu tư xây dựng công trình.
Quan ngại tương lai
Nhìn vào cơ cấu nguồn vốn của LGL, nhà đầu tư cũng không khỏi có cảm giác quan ngại. Ghi nhận tại ngày 30/6/2023, nợ phải trả là 639 tỷ đồng, giảm 34% so với đầu năm. Với vốn chủ sở hữu đạt 691 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,92 lần, một mức rất an toàn. Tuy nhiên, trong cơ cấu nợ phải trả, khoản “người mua trả tiền trước ngắn hạn” lại cho thấy sự sụt giảm nặng nề, giảm tới 343 tỷ đồng, tương đương 94% so với đầu năm, chỉ còn 20 tỷ đồng.
20 tỷ đồng người mua trả trước này là tiền nhận trước bán căn hộ ở Rivea Park 69 Vũ Trọng Phụng và chung cư Thành Thái của LGL. Đây là “lương khô” của LGL cho thời gian tới. Với “lương khô” ít ỏi như vậy, triển vọng doanh số của công ty cũng trở nên khá u ám, nhất là khi LGL thừa nhận thời gian qua chỉ bán được mỗi dự án Rivera Park 69 Vũ Trọng Phụng.
Giá trị nợ vay của LGL đến hết quý II/2023 đạt 190 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Có tới một nửa trong đó là LGL vay của các cá nhân, không có tài sản bảo đảm, để bổ sung vốn cho dự án Rivera Park Sài Gòn và Rivera Park Hà Nội.
Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh 6 tháng qua của LGL âm 50 tỷ đồng, do tăng các khoản phải thu (3,8 tỷ đồng), chi trả lãi vay (20 tỷ đồng), đóng thuế thu nhập (6 tỷ đồng), chi khác cho hoạt động kinh doanh (27 tỷ đồng).
Trong bối cảnh đó, việc giảm quy mô dòng tiền vay/trả xuống còn 98 tỷ đồng/63 tỷ đồng, lần lượt giảm 53% và 73%, khiến quy mô vốn bằng tiền của LGL giảm tới 71% so với đầu năm, chỉ còn vỏn vẹn 6 tỷ đồng, một mức rất thấp.