Người đi vay "khóc ròng" vì áp lực gia tăng lãi suất đè nặng

Lãi suất huy động được các ngân hàng liên tiếp điều chỉnh tăng trong vòng một tuần qua nhằm giúp giảm căng thẳng về thanh khoản nhưng lại khiến mặt bằng lãi suất cho vay tăng theo, gây áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp và người đi vay.

Điều chỉnh tăng lãi suất để giữ chân khách hàng

Nhiều ngân hàng đã ghi nhận mức lãi suất cao nhất lên tới 8,5 - 8,7%/năm như ABBank, KienlongBank, BacABank, GPBank. Tại một số ngân hàng lớn, lãi suất niêm yết cao nhất vượt 8%/năm như MB Bank (8,7%), VPBank (8,6%), Techcombank (8,5%), SHB (8,4%), Sacombank (8,0%)...

Người đi vay "khóc ròng" vì áp lực gia tăng lãi suất đè nặng - Ảnh 1

Đặc biệt, một số ngân hàng đẩy lãi suất lên mức cao hơn (từ 10,5 - 11%/năm). Tuy nhiên mức lãi suất này chỉ áp dụng cho 3 tháng đầu chứ không áp dụng suốt kỳ hạn gửi, 6 tháng sau hưởng lãi chưa đến 6%/năm, tính bình quân thì thực lãi trong 9 - 12 tháng chỉ 7%/năm.

4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV cũng cập nhật biểu lãi suất huy động mới từ ngày 27/10 và tăng mạnh ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất cao nhất tại quầy ở các nhà băng này là 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, cao hơn trước 1%/năm.

Ngoài ra, một số ngân hàng này còn có chính sách cộng lãi suất tiền gửi theo hình thức trực tuyến thêm. Theo đó, lãi suất cao nhất tại nhóm Big4 có thể lên xấp xỉ 8%/năm, tương đương với nhiều ngân hàng tư nhân khác như VPBank, Techcombank, Sacombank.

Tính đến hiện tại, lãi suất huy động niêm yết dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tại nhiều ngân hàng đã tăng 1,5 - 1,8 điểm % so với hồi đầu năm.

Theo các chuyên gia, hiện nay các ngân hàng đang công bố nhiều chương trình huy động vốn với những quy định khác nhau. Khi tham gia, khách hàng nên tìm hiểu kỹ điều khoản, điều kiện, cũng như mức lãi suất cao đó áp dụng trong bao lâu, những tháng đầu hay suốt quá trình gửi.

Khách hàng nên tìm hiểu kỹ đó là các chương trình huy động tiết kiệm của ngân hàng hay mua trái phiếu.

Hiện cuộc đua lãi suất của các ngân hàng vẫn đang nóng lên, chủ yếu để giữ chân khách hàng không chạy sang nhà băng khác. Trong thời gian qua, tốc độ huy động vốn của các ngân hàng tăng chậm hơn cho vay. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đã gần đạt 11%, trong khi huy động vốn cập nhật gần nhất đến 20/9 chỉ xấp xỉ 4%. Nhu cầu huy động vốn trung, dài hạn vẫn rất lớn và thanh khoản hệ thống đang chịu không ít áp lực sau một số sự kiện tác động mạnh đến ngành ngân hàng thời gian gần đây.

Hiện hạn mức tín dụng của các nhà băng gần như đã chạm mức cho phép. Lãi suất huy động tăng lên càng gây thêm áp lực cho lãi vay điều chỉnh tăng. Đối với những hợp đồng vay cũ đến thời điểm tính lại lãi vay, gần như đều căn cứ vào lãi suất huy động cộng với biên độ từ 3,5 - 5% tùy theo ngân hàng.

Người đi vay "khóc ròng" - áp lực còn lớn trước dự báo FED tăng lãi suất

Thông thường các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3 - 4%. Như vậy, mức lãi suất cho vay thời gian tới sẽ khó ở dưới 10%/năm, trừ các khoản vay theo chính sách ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên vẫn đang áp dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Người đi vay "khóc ròng" vì áp lực gia tăng lãi suất đè nặng - Ảnh 2

Theo chia sẻ của Giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn: Lãi suất đầu vào tăng không chỉ làm tăng chi phí kinh doanh mà còn ẩn chứa rủi ro cho ngân hàng lẫn khách hàng. Với mức lãi suất cho vay này, khách hàng có thể không đủ sức chịu đựng, kinh doanh thất bại, ngân hàng sẽ gánh phải nợ xấu.

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Nam (Cầu Giấy - Hà Nội): Đầu năm 2021 anh có vay ngân hàng một khoản 1,6 tỷ đồng để mua một căn hộ ở khu vực nội thành, lãi suất ưu đãi năm đầu chỉ 5,6%/năm. Đến nay, thời gian ưu đãi đã gần hết, bước vào giai đoạn thả nổi, cộng thêm tình hình lãi suất liên tục tăng, anh đang rất lo lắng trong việc làm sao đảm bảo thanh toán khoản vay đúng hạn.

Không riêng khoản vay cá nhân, giám đốc một doanh nghiệp vận tải có trụ sở tại Hà Nội cũng cho biết: Lãi suất vay của công ty ông đã tăng khoảng 2,5% so với đầu năm.

"Với khoản vay gần 2.000 tỷ đồng, mỗi năm công ty tôi phải trả thêm khoản tiền lãi hơn 50 tỷ đồng so với trước", ông buồn rầu nói.

Cũng theo chia sẻ của vị Giám đốc này: Sức ép chi phí ngày một tăng, ngành logistics lại bị ảnh hưởng vì xuất nhập khẩu vẫn khá trầm lắng, buộc công ty phải tính đến phương án giảm quy mô vốn vay để nhẹ áp lực...

Giới phân tích dự báo: Lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do áp lực tỷ giá và lạm phát đi cùng yếu tố mùa vụ.

TS. Huỳnh Trung Minh - chuyên gia tài chính cho rằng: Sắp tới, khi Fed tiếp tục tăng lãi suất, tỷ giá của Việt Nam cũng sẽ biến động theo, để kìm mức độ mất giá của VND, thì có thể dùng dự trữ ngoại hối hoặc tăng lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất điều hành cũng đã được tăng trong tháng 9 và tháng 10/2022, dự trữ ngoại hối đã chạm ngưỡng an toàn là 3 tuần nhập khẩu.

Tương tự, Chứng khoán SSI dự báo: Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể tiếp tục tăng thêm 0,5 - 1 điểm %, sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành trong bối cảnh các điều kiện tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế và địa chính trị toàn cầu rối ren, gần đây Liên hợp quốc cũng đã kêu gọi các ngân hàng Trung ương, đặc biệt là FED, dừng tăng lãi suất để tránh suy thoái kinh tế, vì FED có nguy cơ gây tổn hại đáng kể cho các nước đang phát triển nếu tiếp tục tăng lãi suất nhanh và mạnh tay.

Cơ quan này ước tính nếu FED cứ nâng lãi suất tham chiếu thêm 1 điểm phần trăm, GDP các nước giàu khác sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm, còn GDP các nước nghèo sẽ giảm 0,8 điểm phần trăm trong 3 năm tới.

Theo KTMT