
Theo Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia Trung Quốc, gần 5% số ngân hàng ở khu vực nông thôn của nước này đã đóng cửa trong năm qua, một phần trong chiến dịch cải tổ sâu rộng sau nhiều năm tín dụng tăng trưởng nóng và quản trị yếu kém.
Song song đó, hơn 20% tài sản của ngành chứng khoán đang nằm trong tay các công ty đang hoặc đã trải qua quá trình sáp nhập kể từ cuối năm 2023, theo S&P Global Ratings.
Mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh là giảm sự phân mảnh trong ngành tài chính, vốn có hàng nghìn tổ chức quy mô nhỏ, để hình thành một nhóm ngân hàng và định chế đầu tư hàng đầu có khả năng cạnh tranh với các “ông lớn” phương Tây như JPMorgan Chase hay Morgan Stanley.
Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhấn mạnh cần phải “bồi dưỡng một số ngân hàng và công ty đầu tư hạng nhất” để nâng cao hiệu quả của dịch vụ tài chính đối với nền kinh tế thực. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc cũng tái khẳng định ưu tiên tăng năng lực cốt lõi cho các định chế lớn thông qua mua bán và sáp nhập (M&A).
“Hệ thống tài chính với nhiều ngân hàng và công ty chứng khoán quy mô lớn sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát chính sách tài chính tốt hơn trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế, đồng thời giảm thiểu rủi ro hệ thống,” George Magnus, chuyên gia tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford nhận định.
Trung Quốc hiện có tới 3.603 ngân hàng nông thôn, chiếm 95% tổng số tổ chức tín dụng nhưng chỉ nắm 13,3% tổng tài sản ngân hàng. Do đó, việc sáp nhập, tái cấu trúc và loại bỏ những ngân hàng yếu kém là điều kiện tiên quyết để củng cố toàn ngành.
Về phía ngành chứng khoán, các công ty môi giới nhỏ đang vật lộn với tình trạng dòng vốn đầu tư và hoạt động niêm yết sụt giảm, khiến một loạt M&A diễn ra. Trong đó, nổi bật là kế hoạch sáp nhập Guotai Junan và Haitong Securities, 2 công ty chứng khoán lâu đời nhất tại Trung Quốc dưới sự chỉ đạo của SASAC Thượng Hải.
“Chúng ta có thể thấy nhiều đợt cải tổ quy mô lớn liên quan đến nhiều công ty chứng khoán cùng nằm ‘dưới chướng' các tập đoàn quản lý tài sản nhà nước,” Karen Wu, chuyên gia phân tích tại CreditSights Singapore dự báo.
Song song với việc sắp xếp lại thị trường trong nước, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị tăng sự hiện diện trên toàn cầu một cách rõ ràng hơn, từ cho vay quốc tế, cơ cấu lại nợ trong các dự án Vành đai – Con đường (BRI) đến thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
“Trung Quốc hiểu rõ họ cần một hệ thống tài chính đủ lớn và mạnh để sẵn sàng ‘đối đầu’ với các định chế phương Tây,” Magnus nói. “Việc củng cố ngành tài chính giờ đây mang ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế lẫn địa chính trị.”
Giới chuyên gia nhận định chiến dịch này sẽ kéo dài cả thập kỷ, chứ không thể hoàn thành trong một vài năm.
“Vấn đề không chỉ là giảm số lượng tổ chức tài chính, mà là làm sao để những tổ chức còn lại mạnh hơn, quản trị rủi ro tốt hơn và hoạt động hiệu quả hơn,” Ryan Tsang, Giám đốc điều hành tại S&P Global Ratings nhấn mạnh.
Sau nhiều năm đối phó với nợ công địa phương, khủng hoảng bất động sản và bong bóng tín dụng, Trung Quốc giờ đây tự tin rằng các rủi ro lớn nhất đã được kiểm soát, tạo điều kiện để chuyển trọng tâm sang cải cách chất lượng.
Richard Xu, chuyên gia tài chính tại Morgan Stanley, nhận định: “Hệ thống tài chính Trung Quốc hiện đang ở thời điểm ổn định nhất trong một thập kỷ qua. Đây là lúc phù hợp để tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả.”