Thực tế triển khai Luật Giao dịch điện tử 2005 đã cho thấy một số bất cập như không áp dụng giao dịch điện tử đối với một số hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực tư pháp, đất đai, xây dựng; thiếu quy định cụ thể về giá trị pháp lý và đảm bảo độ tin cậy cho một số yếu tố quan trọng trong giao dịch điện tử như thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy... Ngoài ra, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa có quy định làm rõ giá trị pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại. Cùng với đó, các quy định về hợp đồng điện tử còn thiếu tính chất đặc thù như quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, giá trị pháp lý của hợp đồng giao kết qua hệ thống thông tin tự động…
Theo tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), dự án luật sửa đổi sẽ hạn chế những bất cập, vướng mắc của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Bên cạnh đó, luật sẽ quy định theo hướng không loại trừ phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử, tạo một khung pháp luật thống nhất về hoạt động giao dịch điện tử trong các lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi các giao dịch từ môi trường thực sang môi trường số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Luật cũng khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực; ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.
Để làm rõ hơn về tầm quan trọng của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với quá trình chuyển đổi số quốc gia, Đầu tư Tài chính đã có cuộc trao đổi với ông Cao Hoàng Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI.
- Là doanh nghiệp hàng đầu trong việc cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, ông có thể nêu một vài đánh giá về tiến trình này tại Việt Nam trong thời gian qua?
Ông Cao Hoàng Anh: Trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số dần trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi tổ chức. Nhìn chung tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam đã có bước tiến đáng kể trong thời gian vừa qua. Tại các tổ chức nhà nước, bức tranh chuyển đổi số rõ nét và được tiến hành nhanh hơn bằng định hướng chiến lược, hành động cụ thể. Đảng, Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý rất sớm để các cơ quan, tổ chức tiến hành thực hiện chuyển đổi số. Từ “Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến các kế hoạch thực thi cụ thể của các bộ, ban ngành trung ương, địa phương triển khai thực hiện chuyển đổi số tập trung xây dựng 3 trụ cột.
Trong đó, trụ cột đầu tiên về Chính phủ số sẽ thực hiện chuyển đổi, nâng cao các hoạt động chuyên môn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động dịch vụ công trực tuyến, hồ sơ công việc tại các cấp được xử lý trên môi trường mạng, tạo lập các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành để cung cấp dịch vụ công kịp thời, bước đầu đạt hiệu quả tốt. Tiếp theo là trụ cột về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số trong cơ cấu kinh tế được nâng cao, hiệu suất lao động được cải thiện, đồng thời Việt Nam cũng cải thiện chỉ số cạnh tranh trên thế giới. Cuối cùng là xã hội số, do chú trọng vào xây dựng hạ tầng số, việc thu hẹp khoảng cách số cũng có hiệu quả đáng kể. Hạ tầng băng rộng cáp quang phủ khắp các địa bàn, dịch vụ mạng 4G/5G được đẩy mạnh và số lượng điện thoại, thiết bị thông minh cao là nền tảng cho việc thanh toán điện tử đang thực sự bùng nổ tại Việt Nam.
Tại cộng đồng doanh nghiệp, chuyển đổi số cũng diễn ra sôi động. Việc nắm bắt xu hướng không thể đảo ngược của chuyển đổi số được đa số doanh nghiệp nhận thức đúng đắn để thúc đẩy năng lực cạnh tranh và bứt phá. Nhờ có sự định hướng, truyền thông sâu rộng từ các cấp quản lý, các hiệp hội, cộng đồng mà hệ thống doanh nghiệp cũng đã bắt tay thực hiện chuyển đổi số ở các giai đoạn khác nhau: khởi tạo, bắt đầu, thực thi, đột phá, nâng cao… Nhiều doanh nghiệp đã tạo ra các dịch vụ, mô hình kinh doanh hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào vận hành, sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp khác cũng đã thực hiện chuyển đổi một hay nhiều khía cạnh nhỏ trong doanh nghiệp để tiết giảm chi phí, tăng doanh thu góp phần vào sự thành công bước đầu của tiến trình chuyển đổi số tại cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiệu quả chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Các gương điển hình, dẫn dắt chuyển đổi số đại đa số thuộc các doanh nghiệp lớn, các lĩnh vực có năng lực con người, tài chính, công nghệ như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, logistics…Tại các các doanh nghiệp khác, đặc biệt nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, mặc dù có sự nhận thức, tuy nhiên khó khăn về nguồn lực, về tài chính, công nghệ và chính sách hỗ trợ… đã ảnh hưởng rất lớn đến lộ trình thực hiện.
Thực tế, cơ quan tham mưu cho Chính phủ thực hiện lộ trình chuyển đổi số tại Việt Nam cũng nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số bằng cách đưa ra các chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, tỉnh (chỉ số DTI), chỉ số đánh giá chuyển đổi số tại doanh nghiệp (chỉ số DBI). Việc xếp hạng, đánh giá được tiến hành hàng năm để tạo ra một thước đo thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các đơn vị thuộc Chính phủ và hệ thống doanh nghiệp.
Tóm lại, chuyển đổi số đang thực sự diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, tại các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp. Bước đầu tạo ra một số kết quả tích cực, thúc đẩy đột phá kinh tế, xã hội nhờ công nghệ số.
- Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới đây. Đáng chú ý, dự án luật này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Trong bối cảnh chuyển đổi số như đã nói ở trên, ông đánh giá thế nào về tác động của dự án luật này tới tiến trình chuyển đổi số?
Quá trình chuyển đổi số hiện tại vẫn đang thiếu một số hành lang pháp lý. Ở lĩnh vực giao dịch điện tử, luật cũ được Quốc hội thông qua năm 2005 còn thiếu chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy giao dịch điện tử trong các cơ quan nhà nước, chưa có quy định về quản lý các hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là phương tiện và môi trường để thực hiện các giao dịch điện tử…
Dự thảo luật lần này có bổ sung một số vấn đề đáng quan tâm từ góc độ chuyển đổi số; bổ sung quy định điều kiện bảo đảm giá trị pháp lý khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại, bổ sung thêm dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử, các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu… Các quy định bổ sung trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử đã hoàn thiện thêm khung pháp lý quan trọng cho việc xác lập các hình thức giao dịch, trao đổi thông tin trên môi trường mạng, hướng đến việc chuyển toàn bộ hoạt động giao dịch lên môi trường số, thúc đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển đổi số.
- Luật sửa đổi có một số điểm mới so với luật hiện hành như chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu; giá trị pháp lý của chứng thư điện tử; chuyển nhượng chứng thư điện tử; yêu cầu đối với lưu trữ, xử lý chứng thư điện tử; chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; sử dụng chữ ký điện tử dùng riêng… Với những điểm mới này, theo ông, việc chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ thuận lợi như thế nào?
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định rõ ràng các vấn đề như trên đã nói sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tích cực thực hiện giao dịch điện tử, thậm chí ồ ạt. Luật bổ sung hoàn thiện các quy định theo hướng không loại trừ phạm vi áp dụng, lĩnh vực giao dịch của hoạt động giao dịch điện tử, khung pháp lý về chuyển đổi các giao dịch từ môi trường thực sang môi trường số. Luật cũng khẳng định giá trị pháp lý, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn và được đảm bảo an toàn, tin cậy hơn. Với những thuận lợi như vậy, doanh nghiệp sẵn sàng đón đầu, ứng dụng giao dịch điện tử trong hoạt động của mình, góp phần đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số.
- Vậy có thể nói, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ như một “liều doping” cho quá trình chuyển đổi số quốc gia không?
Có thể nói là như vậy. Các hạn chế của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã tạo ra khung pháp lý để xác lập các hình thức giao dịch, trao đổi, thông tin trên môi trường mạng, tuy nhiên luật còn quy định chưa chi tiết, chưa đáp ứng bối cảnh thực tiễn hiện tại. Các tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn tâm lý nghi ngại, môi trường, nền tảng số chưa đáp ứng, các dịch vụ trung gian, đảm bảo an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử chưa có hoặc còn yếu dẫn đến khối lượng giao dịch điện tử vẫn còn khiêm tốn. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ là một liều thuốc tích cực để các cơ quan tổ chức nhà nước, các doanh nghiệp bùng nổ giao dịch điện tử, đặc biệt như giao dịch dịch vụ công, hợp đồng, thanh toán… Điều này là rất có lợi cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
- Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ngoài pháp lý hiện hành, theo ông, Việt Nam cần làm gì để tăng tốc hơn nữa?
Theo tôi, thứ nhất, các cơ quan từ trung ương đến địa phương cần đồng bộ kế hoạch thực hiện để chuyển đổi số đi vào thực chất, hiệu quả. Tiếp theo đó, các cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước đưa ra các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp dẫn dắt như doanh nghiệp tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số, các doanh nghiệp điển hình chuyển đổi số… để chuyển giao, phối hợp thực hiện mục tiêu nhân rộng quy mô, tăng tốc các mô hình toàn diện. Đồng thời, bản thân các tổ chức nhà nước, các doanh nghiệp phải chủ động, chuẩn bị nguồn lực, thực thi kế hoạch thực sự để tiến hành chuyển đổi số.
Theo Đầu tư Tài chính