Tại lễ khai giảng, thầy trò các trường chào cờ, hát Quốc ca và nghe đọc thư Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thầy cô giáo và học sinh, sinh viên, học viên trên cả nước.
Tại Hà Nội, từ 6h30 sáng, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, ngập cờ hoa, rộn ràng tiếng nói cười của học sinh, thầy cô tới trường dự lễ khai giảng năm học mới.
Năm nay lễ khai giảng của các em đặc biệt hơn khi có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Tại lễ khai giảng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chúc tới các em học sinh, thầy cô giáo trên cả nước sẽ gặt hái được nhiều thành công trong năm học mới.
Năm học mới 2024-2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành giáo dục nói riêng và cả nước nói chung cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo với phương châm lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, thầy cô giáo là động lực, nhà trường là bệ đỡ, gia đình điểm tựa, xã hội là nền tảng.
Thủ tướng yêu cầu các cơ sở giáo dục năm học qua việc gì làm chưa tốt thì năm nay phải khắc phục, làm tốt hơn, việc gì đã làm tốt rồi phải quyết tâm cao hơn, hành động thiết thực hơn để đạt kết quả cao hơn nữa, để năm học sau đạt kết quả tốt hơn năm học trước.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành địa phương tiếp tục kiến tạo yếu tố nền tảng cho phát triển giáo dục và đào tạo, tạo môi trường lành mạnh thúc đẩy xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi học tập cho các học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.
Năm học này, Hà Nội có gần 2,3 triệu học sinh, thêm 2 trường THPT đi vào hoạt động, đáp ứng thêm nhu cầu học tập của người dân Thủ đô. Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, trong 10 nhiệm vụ chủ yếu năm học 2024-2025, ngành giáo dục thủ đô xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp.
Trong bối cảnh tốc độ gia tăng dân số nhanh, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tăng cường tham mưu thành phố bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục; kiên trì, quyết liệt trong việc giải quyết dứt điểm việc thiếu trường, lớp học tại một số địa phương, nhất là tại các quận trung tâm; quan tâm sửa chữa, nâng cấp trường học, hệ thống nhà vệ sinh, cây xanh, tạo dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện.
Tại TP.HCM, năm học 2024-2025, thành phố có hơn 1,7 triệu trẻ, học sinh các cấp, tăng hơn 24.000 em so với năm học trước. Số học sinh tăng nhiều ở cấp THPT do chênh lệch giữa học sinh khối lớp 12 ra trường và lớp 9 tốt nghiệp vào học lớp 10. Dẫu vậy, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học.
Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết năm học này, ngành giáo dục sẽ khắc phục triệt để tình trạng dạy chay, học chay. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "thiết bị đến trường mà không ra lớp".
Ông Hiếu nêu rõ, bất kỳ môn học nào cũng đều có đồ dùng, thiết bị dạy học. Một giờ học có thiết bị dạy học sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, truyền tải kiến thức đúng với trọng tâm và yêu cầu cần đạt của từng môn học. Do đó, muốn giảm tải áp lực học hành cho học sinh thì phương pháp dạy học phải gắn liền với việc sử dụng đồ dùng dạy học.