Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, vừa qua báo chí có thông tin về hoạt động buôn bán, khai thác trái phép đất hiếm trên địa bàn một số tỉnh. Theo đó, một số đối tượng đã tổ chức khai thác trái phép, tuyển, chiết suất và buôn bán tinh quặng đất hiếm từ khu vực xã Bản Hon (huyện Tam Đường, Lai Châu) - cạnh mỏ đất hiếm Đông Pao và khu vực xã Tân Hương, huyện Yên Bình, Yên Bái với khối lượng quặng tinh sau tuyển lớn.
“Ngoài ra, hoạt động khai thác trái phép nêu trên của các đối tượng được phản ánh là xuất phát từ việc đào trộm, đào hạ cốt nền có người bảo lãnh", văn bản nêu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá đây là hoạt động có tính chất phức tạp, giá trị khối lượng khoáng sản lớn. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa khẩn trương chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, xác minh thông tin phản ánh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
UBND tỉnh Lào Cai chủ động rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác, tuyển, tiêu thụ quặng đất hiếm; tăng cường hơn nữa công tác giám sát, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các tỉnh gửi thông tin kết quả thực hiện về đơn vị này trước ngày 29/7 để tổng hợp, theo dõi.
Theo thông tin phản ánh, đất hiếm - một loại khoáng sản chiến lược của quốc gia đang bị đào trộm, rao bán ngầm.
Chính vì tầm quan trọng này mà ngày 9/1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 02 yêu cầu việc khai thác, chế biến, xuất khẩu đất hiếm phải được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng một "thế giới ngầm" các đường dây đào trộm, buôn bán đất hiếm vẫn diễn ra.
Những người buôn bán, môi giới ngầm đất hiếm ở nhiều tỉnh thành phía Bắc và Tây Nguyên hoạt động rất chuyên nghiệp, không khác gì "bão ngầm".
Vì là hàng đào trộm, buôn bán bất hợp pháp nên hầu hết các cuộc giao dịch đều được các tay trùm khoáng sản mua bán đất hiếm yêu cầu phải trả bằng tiền mặt, đô la Mỹ hoặc bằng vàng và thậm chí cả... bất động sản.