Chủ tịch SAGS lần đầu tiết lộ việc dừng cung cấp dịch vụ mặt đất với Bamboo Airways

Tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra ngày 25/4, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS - mã chứng khoán SGN) tiết lộ việc dừng cung cấp dịch vụ mặt đất với Hãng hàng không Bamboo Airways.
sags-1714061914.jpgVì chậm trả nợ, SAGS đã dừng cung cấp dịch vụ mặt đất với Bamboo Airways
 

Lý do mà SAGS đưa ra là Bamboo Airways đang có khoản nợ quá hạn, công ty nhiều lần làm việc nhưng tiến độ trả nợ của hãng rất chậm. Do đó, hai bên đã thống nhất chấm dứt hợp tác từ 1/1/2024.

Hiện Bamboo Airways đang trong quá trình tái cơ cấu, đội bay giảm mạnh, từ 30 chiếc xuống còn 7-8 chiếc.

Nói về việc dừng hợp tác với Hãng Bamboo Airways, lãnh đạo SAGS đánh giá không tác động quá lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty vì số lượng khai thác không đáng kể. Thay vào đó, SAGS vừa ký được thêm hợp đồng phục vụ với một số khách hàng quốc tế mới.

Hiện SAGS là doanh nghiệp dịch vụ mặt đất, phục vụ 50 hãng bay quốc tế và đang phục vụ cho hãng bay nội địa gồm: Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, lãnh đạo SAGS bất ngờ đề cập đến việc Hãng Vietjet đã lên kế hoạch tự phục vụ tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh. Tuy nhiên, phía Vietjet chưa thông báo thời gian cụ thể.

Theo ông Đặng Tuấn Tú, trong năm 2023, công ty đã trích lập dự phòng 70% với khoản phải thu ở Bamboo Airways (53,6 tỉ đồng), đồng thời cũng trích lập 6,6 tỉ đồng với khoản phải thu từ Vietravel Airlines.

"Tuy nhiên, trọng tâm lớn năm nay của công ty phải đấu thầu thành công cung cấp dịch vụ mặt đất tại sân bay Long Thành. Đây là quyết định sự tồn tại, phát triển tương lai của công ty", Chủ tịch SAGS nhấn mạnh.

Theo kế hoạch năm 2026, sân bay Long Thành khai thác giai đoạn 1. Có 80% chuyến bay quốc tế từ Tân Sơn Nhất chuyển về sân bay Long Thành. "Nếu không thắng được đấu thầu dịch vụ ở sân bay Long Thành, công ty cũng mất rất nhiều ở Tân Sơn Nhất", ông Tú nói.

Doanh nghiệp này khẳng định quyết tâm ưu tiên chuẩn bị hồ sơ đấu thầu, hiện diện cung cấp dịch vụ tại sân bay Long Thành. Bên cạnh đó, công ty định hướng tập trung nâng cao chất lượng nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới với mục tiêu tại thị trường Trung Quốc.

Nhìn nhận thị trường ngành hàng không năm 2024, SAGS đánh giá, các chuyến bay quốc tế có hồi phục nhưng khá chậm. Trung Quốc có xu hướng kích cầu du lịch nội địa, chứ không du lịch quốc tế. Ở Nga, cuộc chiến tranh kéo dài và biện pháp trừng phạt đang gây khó khăn cho ngành du lịch của nước này.

“Năm nay mới cấp slot cho các chuyến bay trực tiếp tới thị trường Nga, nhưng vẫn còn rất khó khăn”, ông Tú nói.

Bên cạnh đó, Vietnam Airline, Vietjet bị ảnh hưởng từ việc triệu hồi động cơ, nhiều máy bay phải tạm ngưng đã giảm năng lực khai thác. Lượng tàu bay ngừng khai thác đã chiếm 20-30 tàu bay của hai hãng này. Như thế mới thấy rằng năng lực vận chuyển của các hãng đã thu hẹp, trong khi tình hình tài chính cũng suy yếu rất nhiều.

Ngành hàng không vẫn bị ảnh hưởng và chưa quay trở lại, các hãng hàng không không nâng được năng lực khai thác và còn chậm trả cho các nhà cung cấp dịch vụ.

Năm 2024, SAGS đặt kế hoạch lợi nhuận sau thế đạt 240 tỉ đồng, tăng gần 6%

Tại đại hội cổ đông, SAGS thông qua kế hoạch năm 2024 với doanh thu hợp nhất gần 1.500 tỉ đồng, đi ngang so với năm trước và lợi nhuận sau thuế 240 tỉ đồng, tăng gần 6%. Như vậy, dù thị trường khó khăn nhưng SAGS vẫn đặt mục tiêu lãi hàng trăm tỉ đồng.

Ông Đặng Tuấn Tú cho biết thêm, SAGS sẽ kết hợp lợi thế của các công ty có vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (quản lý khai thác 22 sân bay), đồng thời là chủ đầu tư giai đoạn 1 sân bay Long Thành.

Doanh nghiệp này sẽ xúc tiến nhiều bước để phát triển dịch vụ ở Long Thành, chứ không chỉ phục vụ mặt đất cho các hãng hàng không, chẳng hạn như hoạt động trong nhà ga, hoạt động hàng hóa. “Đây là các định hướng mới”, ông Tú nói.