Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chiều 11/10 vừa qua, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chúc mừng các doanh nghiệp, doanh nhận và khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời ghi nhận, đánh giá rất cao những ý kiến chân thành, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân.
Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp, doanh nhân luôn giữ vững tinh thần cách mạng tiến công, bản lĩnh vượt khó, với lòng tự tôn, tự hào dân tộc, xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển vững mạnh, vươn tầm thế giới, tạo cảm hứng, truyền động lực vì đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; nhân dân Việt Nam hạnh phúc, ấm no.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn là điểm tựa và luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, tiếp thu tối đa các ý kiến của các tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh và đoàn kết. Tinh thần là không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện và đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả cụ thể.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, Thủ tướng đề nghị cần không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và quốc tế. Phát huy hơn nữa tính chủ động, năng động sáng tạo để không những phát triển doanh nghiệp do mình làm chủ mà còn tăng cường liên kết hợp tác với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp để nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng với đó, chú trọng công tác phát triển Đảng tại các doanh nghiệp; nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp, cũng như phát triển văn hóa doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm, đủ tầm.
Trước đó, tại rất nhiều phiên họp của Chính phủ, hội nghị với gỡ khó với các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động rà soát, có biện pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách kịp thời, thiết thực, hiệu quả, “không hứa suông”; “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực và xử lý nghiêm các vi phạm.
Liên quan đến tình hình kinh tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), bất chấp các tác động xấu từ thế giới, kinh tế Việt Nam đang từng bước hồi phục. Các chỉ số kinh tế qua các tháng, các quý đều chuyển biến tích cực. Nếu trong quý I/2023, GDP Việt Nam chỉ tăng “khiêm tốn” 3,28%, thì sang quý II và quý III, GDP tăng đều lần lượt là 4,05% và 5,33%. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, GDP Việt Nam ghi nhận mức 4,24% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Báo cáo của GSO cũng cho thấy, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thương trường vẫn duy trì ở mức đáng báo động. Cụ thể, trong 9 tháng qua, cả nước có khoảng 75.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, cả nước đã có 46.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9% so với năm ngoái và 13.200 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%.
Trước tình hình đó, Chính phủ và các Bộ, ngành đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, như hạ lãi suất cho vay; miễn, giảm, gia hạn một số loại thuế, phí nhằm giảm áp lực dòng tiền cho doanh nghiệp.
Trong 03 năm 2020-2022 và tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, Chính phủ đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (như gia hạn thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, thuế TTĐB) và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (BVMT), cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Theo đó, Chính phủ đã trình ban hành 11 Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH; ban hành 18 Nghị định của Chính phủ; 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; giao Bộ Tài chính ban hành 25 Thông tư. Cụ thể, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Trong những tháng đã qua của năm 2023, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính cũng khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với tổng giá trị dự kiến là khoảng 196 nghìn tỷ đồng, trong đó: Số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; Số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng.
Việc ban hành và thực hiện các giải pháp nêu trên cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế xã hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, với tinh thần luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều chính sách, giải pháp linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới; chỉ đạo các thành viên Chính phủ làm việc thường xuyên với các địa phương, thành lập các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của cán bộ, công chức nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tinh thần này sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Ngoài ra, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo đúng Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, hướng tới một hệ thống thuế có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế.
Hiện nay Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển và nâng cao về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.
Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới.
Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện CNH-HĐH, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới. Đặc biệt đã xuất hiện những doanh nhân, doanh nghiệp lớn với thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, đang thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển các ngành, địa phương, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong ngành phát triển.