Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ V, ông Don Lam cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam “đóng băng”, với lượng phát hành trái phiếu giảm khoảng 50% so với năm ngoái. Lĩnh vực bất động sản trong tình trạng gần như “đóng băng” do khó khăn do thanh khoản.
Chỉ số VN Index giảm khoảng 30% (tính đến ngày 9/12) do giá cổ phiếu bất động sản và ngân hàng giảm sâu so với các thị trường châu Á khác và thuộc nhóm những thị trường giảm nhiều nhất thế giới.
“Những vấn đề này đã che phủ câu chuyện tăng trưởng kinh tế rất tích cực của Việt Nam và có thể ảnh hưởng không chỉ đến tăng trưởng kinh tế năm 2023 mà còn đến vị thế của đất nước trong mắt các nhà đầu tư dài hạn nếu không được giải quyết đúng đắn và nhanh chóng”, ông Don Lam cho biết.
Cũng theo ông Don Lam, các công ty bất động sản Việt Nam hiện nay vẫn khủng hoảng thanh khoản vì 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, là Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ và kiểm soát lạm phát; thứ hai, là các ngân hàng được khuyến khích cho người mua nhà vay thay vì cho các công ty bất động sản vay; thứ ba, là các công ty bất động sản ở Việt Nam vay ngắn hạn (khoảng 2 năm) cho các dự án dài hạn và việc tái cấp vốn cho các khoản nợ đó đôi khi có thể khó khăn.
Để giải quyết khó khăn, ông Don Lam đề xuất cần giúp các công ty bất động sản dễ dàng tiếp cận tín dụng ngân hàng bằng cách giảm đánh giá rủi ro lĩnh vực này hoặc thông qua cho vay trực tiếp.
Ngoài ra, nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách bơm tiền vào thị trường tiền tệ hoặc mua dự trữ ngoại hối. Đồng Việt Nam đã mạnh lên đáng kể trong thời gian gần đây và lạm phát đang được kiểm soát, điều này tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước nới lỏng tiền tệ.
Giải pháp tiếp theo, ông Don Lam cho rằng cần thành lập quỹ/chương trình cứu trợ tương tự như một vài quốc gia khác. Theo đó, đây là bước mạnh nhất và kịp thời nhất mà Chính phủ có thể làm.
Để trả nợ trái phiếu, Chủ tịch VinaCapital cho rằng Chính phủ cần tạo điều kiện để ngân hàng cho các công ty bất động sản vay vốn. Đồng thời, các doanh nghiệp bất động sản cần bán bớt tài sản, kể cả quỹ đất chưa hoàn chỉnh dự án; tìm kiếm nguồn vốn từ nước ngoài; bán cổ phần công ty để lấy tiền trả nợ.
“Nhu cầu về các sản phẩm nhà ở tại Việt Nam vẫn rất lớn nhưng các công ty bất động sản không có vốn để hoàn thành dự án. Nếu giải quyết được vấn đề này thị trường bất động sản có thể hoạt động trở lại bình thường trong 6 tháng tới”, ông Don Lam nêu.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV - cho biết, 70% khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua chủ yếu xuất phát từ tài chính, bất động sản. Việc ổn định, lành mạnh hóa hai thị trường này là cần thiết. Do vậy, ông Lực đề xuất nhiều nhóm giải pháp mang tính ngắn hạn như lấy lại niềm tin thị trường với việc minh bạch thông tin, đưa ra thông điệp mạnh mẽ, xử lý dứt điểm sớm các vụ việc vừa qua.
Ông Lực cũng cho rằng không dùng ngân sách để giải cứu thị trường bất động sản, vì đây là câu chuyện thị trường, nhà nước chỉ tạo cơ chế, chính sách.
Ngoài ra, ông Lực cũng nhắc đến giải pháp tháo gỡ vấn đề về vốn. Theo đó, cần khơi thông các nguồn vốn cho chương trình này, đẩy nhanh hơn nữa chương trình phục hồi, đẩy nhanh đầu tư công tạo vốn mồi. Đồng thời quan tâm đến việc tháo gỡ pháp lý hàng trăm dự án vướng mắc trên cả nước.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có các công điện để tháo gỡ vấn đề về vốn, thị trường bất động sản... Ông Lực và nhiều chuyên gia tại diễn đàn đều cho rằng, thực hiện tốt các chỉ thị này sẽ có tác động tích cực đến thị trường.
Trong khi đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà khẳng định thời gian Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô.
Đầu tư Tài chính